Xóa 27.700 tỷ đồng nợ thuế: Đừng để chỉ làm đẹp bức tranh

(BĐT) - Việc xóa hơn 27.700 tỷ đồng nợ thuế theo đánh giá là cần thiết khi việc treo nợ đã trở thành gánh nặng nhiều năm. Tuy nhiên, điều lo lắng là làm sao tránh tình trạng không kiểm soát chặt, xóa chỉ để làm đẹp bức tranh.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Những ai được đề xuất xóa nợ thuế?

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ đọng được Bộ Tài chính đưa ra trước đó nêu lên thực tế, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao. Tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2017 là 78.466 tỷ đồng.

Phần lớn trong số đó do cơ quan thuế quản lý với hơn 73.000 tỷ đồng. Với 73.000 tỷ đồng này, nợ không còn khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự... là 31.469 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 43% tổng số tiền thuế nợ.

Bộ Tài chính cho rằng, việc xử lý nợ đọng thuế sẽ tháo gỡ khó khăn về tài chính cho những doanh nghiệp có phát sinh nợ thuế do gặp nguyên nhân bất khả kháng.

Ngoài ra, nhiều khoản nợ lâu năm không còn khả năng thu ngân sách do người nộp thuế thực tế đã phá sản nhưng không thực hiện các thủ tục phá sản theo quy định pháp luật. Hoặc, người nộp thuế đã chấm dứt kinh doanh và được cơ quan thuế thực hiện kiểm tra để xác minh về tài khoản, tài sản.

Từ đó, Bộ Tài chính đề xuất, không tính tiền chậm nộp thuế đối với số tiền thuế nợ và các khoản thu khác phải nộp ngân sách nhà nước (tiền thuê đất, sử dụng đất) với chủ doanh nghiệp tư nhân, người nộp thuế được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, không còn tài sản để nộp thuế, tiền phạt.

Đối tượng khác trong diện trên là người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, điều kiện thêm với trường hợp này là cơ quan quản lý thuế đã phối hợp với cơ quan chức năng tại địa bàn nơi đăng ký kinh doanh, nơi đăng ký địa chỉ liên lạc của người nộp thuế kiểm tra, xác minh thông tin.

Cơ quan soạn thảo cũng nêu kiến nghị xóa nợ, chậm nộp, phạt chậm nộp tới trước ngày 1/1/2019 với người nộp thuế gặp thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ, bị bệnh hiểm nghèo hoặc trường hợp bất khả kháng khác.

Các đối tượng khác được đề xuất xóa nợ tới trước năm 2019 là doanh nghiệp, tổ chức đã ngừng sản xuất, kinh doanh nhưng không hoàn thành được thủ tục phá sản, giải thể theo quy định; doanh nghiệp, tổ chức không còn sản xuất kinh doanh tại địa chỉ đăng ký kinh doanh; hộ gia đình, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn, đã ngừng kinh doanh, không thanh toán được số tiền thuế nợ...

Về tác động, Bộ Tài chính dự tính, những đề xuất trên làm giảm số nợ đọng thuế (khoảng 27.753 tỷ đồng). Việc ban hành Nghị quyết, theo Bộ Tài chính, cơ bản sẽ không ảnh hưởng, tác động tới thu, chi ngân sách.

Phải công khai danh tính, địa chỉ

Đánh giá về những đề xuất trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, đây là việc làm cần thiết vì nhiều doanh nghiệp "chết thật sự nhưng treo mãi chỉ gây thêm tổn thất". Việc xóa nợ thuế như trên theo ông Phong cũng giúp tránh "ảo tưởng" có thể thu lại hàng nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, vấn đề ông Phong góp ý là dự thảo cần liệt kê cụ thể những doanh nghiệp, người nộp thuế nào chết, mất tích, phá sản, giải thể. "Làm một mớ rồi nói bỏ thì khó nói lắm", ông lên tiếng.

Còn chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì bày tỏ lo lắng việc xóa nợ khó chính xác khi nhiều doanh nghiệp có thủ đoạn bỏ chỗ này, lập chỗ khác. Đây là việc đã xuất hiện nhiều năm nay và thậm chí, có tình trạng chủ doanh nghiệp nhờ người quen, người thân lập doanh nghiệp mới để thoát nợ.

Trong hội thảo góp ý về vấn đề này mới đây, ông Trần Quang Chiểu, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng nêu lên tâm tư như vậy.

Theo ông Chiểu, Dự thảo có nhắc tới vấn đề xóa nợ với người nộp thuế không còn tài sản để nộp. Tuy vậy, ông đặt câu hỏi: “Không còn tiền trong tài khoản ngân hàng nhưng còn tiền mặt, đá quý thì sao?”. Hoặc, người nộp thuế không còn tài sản tại nơi sản xuất nhưng đã chuyển tài sản đi nơi khác phải được kiểm soát ra sao?

Nhìn rộng hơn, bà Vũ Thị Lưu Mai, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tỏ ra băn khoăn khi phạm vi khoanh, xóa nợ thuế khá rộng. “Có quan điểm cho rằng, tôi là người nộp thuế nghiêm túc thì phải nộp còn người không nghiêm túc lại được xóa”, bà nói.

Từ đó, theo bà Mai, cần cân nhắc từng trường hợp và chỉ thực hiện trong trường hợp bất khả kháng.

Góp ý về giải pháp, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, Bộ Tài chính nên công khai danh sách doanh nghiệp được xóa nợ, địa chỉ rõ ràng để có sự kiểm tra chéo.

“Nếu không công khai, mọi thứ chỉ biết thông tin 1 chiều thì sẽ tạo tiền lệ xấu”, ông Phong cảnh báo.

Chuyên đề