Xăng dầu giảm giá, tăng thuế là hạ sách

(BĐT) - Sau vài ngày tăng, giá dầu thô trên thị trường thế giới lại giảm mạnh trở lại khiến ngân sách trung ương đứng trước nguy cơ giảm thu hàng chục ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, theo quan điểm của chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Ngô Trí Long, không vì mục tiêu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) mà tăng thuế, phí đối với mặt hàng xăng dầu.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Giá dầu giảm khiến số thu từ xăng dầu giảm mạnh đã đẩy bội chi tăng cao. Trước tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải điều chỉnh các loại thuế, phí đối với mặt hàng xăng dầu. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

Năm 2015, Quốc hội cho phép bội chi tối đa là 5% GDP. Tại Kỳ họp thứ 10 vào cuối năm 2015, Bộ Tài chính tính toán bội chi vào khoảng 5,71% GDP, nhưng cuối cùng thì mức bội chi lên 6,11% GDP. Bội chi cao dẫn đến nợ công cao rất nguy hiểm tới an ninh tài chính quốc gia, tới sự phát triển bền vững. Ở các nước phát triển, nếu bội chi chạm ngưỡng 4% GDP, nợ công chạm ngưỡng 65% GDP, nợ chính phủ tương đương 50% GDP đã bị báo động đỏ. Còn ở nước ta, các chỉ số này đều vượt ngưỡng an toàn (dư nợ chính phủ năm 2015 tương đương 50,3% GDP) thì không thể “kê cao gối ngủ được”, mà phải cơ cấu lại nguồn thu cũng như nguồn chi.

Cơ cấu lại nguồn thu cách đơn giản nhất là tăng thuế, phí, lệ phí, trong đó có việc điều chỉnh lại mức đóng góp của mặt hàng xăng dầu vào NSNN. Tuy nhiên, theo tôi, thực hiện cách này là “hạ sách” vì ngay lập tức triệt hạ động lực sản xuất, kinh doanh cũng như tiêu dùng của xã hội sẽ khiến nguồn thu bị giảm xuống chứ không tăng lên. Thực tế cho thấy, năm 2015, thu từ dầu thô đạt 67.500 tỷ đồng, giảm 25.490 tỷ đồng (giảm 27,4%) so với dự toán, nhưng kết quả cuối cùng tổng thu NSNN vẫn đạt 996.870 tỷ đồng, tăng 85.770 tỷ đồng do hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhờ lãi suất giảm và giá xăng dầu giảm. 

Xăng dầu giảm giá, tăng thuế là hạ sách ảnh 1
PGS. TS. Ngô Trí Long
Nhưng từ đầu năm đến nay giá dầu tiếp tục lao dốc, nếu không tăng mức đóng góp vào NSNN đối với mặt hàng xăng dầu thì cân đối ngân sách vô cùng khó khăn?

Các mức thuế, phí áp đối với xăng dầu hiện nay hầu như được giữ nguyên như khi xăng dầu bán lẻ ở mức giá trên 20.000 đồng/lít. Với mức giá xăng RON 92 ở mức trên dưới 14.000 đồng/lít (tùy vùng) như hiện nay thì dù không giảm các loại thuế, phí, tỷ lệ thuế, phí đã chiếm trên 60% giá bán mỗi lít xăng dầu. Tôi xin nhấn mạnh rằng, tỷ lệ này là quá cao so với các nước trên thế giới. Vì vậy, thay vì tăng thuế, phí, nên tính đến việc giảm thuế, phí nếu có thể, bởi Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô nhưng đồng thời là nước nhập khẩu xăng dầu thành phẩm nên giá lên hay xuống cũng đều có lợi.

Năm 2015, chúng ta xuất khẩu 16,75 triệu tấn dầu thô thì cũng nhập khẩu khoảng 7,1 triệu tấn xăng dầu thành phẩm về để sử dụng. Giá xăng dầu thành phẩm giảm, không chỉ doanh nghiệp, người tiêu dùng có lợi, mà chính NSNN được hưởng lợi nhiều nhất vì chi phí xăng dầu cho hàng vạn xe công, cho an ninh, quốc phòng giảm. Chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư phát triển bằng vốn có nguồn gốc NSNN cũng giảm đáng kể do giá xăng dầu giảm. 

Nhưng thực hiện một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam phải cắt giảm mạnh thuế nhập khẩu xăng dầu, nếu không điều chỉnh các loại thuế, phí khác đánh vào mặt hàng này thì ngân sách trông chờ vào đâu?

Để “cân đối” khoản giảm thu do giảm thuế nhập khẩu vì thực hiện một số FTA, từ 1/1/2015, thuế bảo vệ môi trường đã tăng 300%. Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng và nhiên liệu bay tăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít; diezel tăng từ 500 đồng/lít lên 1.500 đồng/lít; mazut, dầu nhờn tăng từ 300 đồng/lít lên 900 đồng/lít. Bây giờ hãy giải bài toán, mỗi lít xăng RON 92 hiện nay có giá khoảng 14.000 đồng bao gồm các loại thuế, phí, trong đó, riêng thuế bảo vệ môi trường đóng góp 3.000 đồng tức là đã chiếm trên 21,4% tổng giá bán lẻ - một mức thuế quá cao thì còn tăng làm sao được nữa. 

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất gặp khó khăn nên đã đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải “bao tiêu” 100% sản phẩm, nếu không sẽ giảm công suất, thậm chí tạm ngừng hoạt động. Ông bình luận gì về động thái này?

Giá thành sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cao hơn so với xăng dầu nhập khẩu nhưng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước phải bảo đảm bao tiêu 30% sản phẩm là hết sức phi lý và càng phi lý hơn khi doanh nghiệp này đòi phải bao tiêu 100% sản phẩm của họ. Đây là hệ quả của sự “dung dưỡng” đối với doanh nghiệp nhà nước trong một thời gian dài.

Dung Quất là nhà máy lọc hóa dầu đầu tiên, nên Nhà nước cho Dung Quất hưởng rất nhiều ưu đãi. Nhưng đáng tiếc, Dung Quất không tận dụng được các ưu đãi của Nhà nước để phát triển, nâng sức cạnh tranh. Khi thuế nhập khẩu xăng dầu cao, giá xăng dầu trên thị trường thế giới cao, doanh nghiệp này “bình chân như vại”, để đến bây giờ phải kêu cứu Nhà nước giúp đỡ là hết sức phi lý.

Trong tương lai, khi giá dầu tăng trở lại ở mức hợp lý, hàng loạt dự án lọc hóa dầu đi vào vận hành có công suất lớn hơn Dung Quất rất nhiều lần như Dự án Liên hiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), Tổ hợp Hóa dầu miền Nam - Long Sơn (Vũng Tàu), Nhà máy Lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định), Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô (Phú Yên)... thì Dung Quất liệu có ra yêu sách được không?.

Chuyên đề