Xác định trách nhiệm người đứng đầu trong công khai tài chính

(BĐT) - Đây là chia sẻ của bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII tại buổi tọa đàm công khai minh bạch ngân sách nhà nước, vừa được tổ chức gần đây.
Ảnh Internet
Ảnh Internet
Xác định trách nhiệm người đứng đầu trong công khai tài chính ảnh 1
Bà Bùi Thị An
Có ý kiến cho rằng, nhiều báo cáo công khai tài chính vẫn mang tính kỹ thuật, cho nên dù công khai mà người dân vẫn không hiểu được thì cũng không có nhiều ý nghĩa? 

Theo tôi, ngoại trừ lĩnh vực an ninh quốc phòng, còn lại có thể công khai. Đặc biệt, các khoản đầu tư lớn thì nên công bố cho người dân biết ngay. Đơn cử, chi tiêu cho giáo dục thì lương thường xuyên là bao nhiêu, xây trường như thế nào. Hay với y tế, hỗ trợ tỉnh bao nhiêu, huyện ra sao…. Tổng đầu việc phải rõ ràng, tổng kinh phí phải chi tiết, “rạch ròi”. 

Còn những từ kỹ thuật trong dự toán ngân sách nên giảm bớt, thậm chí đơn giản hóa nhưng vẫn thể hiện đúng nội dung. Chúng ta không nên dùng các cụm từ kỹ thuật, nếu có dùng thì nên có giải thích cho người dân hiểu để có thể  giám sát. Chỉ có người dân giám sát thì hiệu quả chi tiêu ngân sách mới đạt được tiêu chí minh bạch, công khai. 

Nghiên cứu của các tổ chức quốc tế cho thấy, chỉ số công khai minh bạch của Việt Nam còn thấp. Vậy theo bà nguyên nhân do đâu? 

Phải khẳng định, sự công khai minh bạch của Việt Nam có bước khá xa so với 10 năm về trước. Chúng ta đang hướng đến mục tiêu cao hơn là minh bạch và công khai trong tất cả các lĩnh vực. Báo cáo của các tổ chức quốc tế là một chỉ tiêu để chúng ta tham khảo, còn về luật thì Việt Nam đã có đủ, vấn đề là khâu tổ chức thực hiện. 

Ở đây cần xác định trách nhiệm của người đứng đầu, nếu người đứng đầu không có quyết tâm làm việc một cách minh bạch thì chắc chắn sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Vì vậy, ngành, cơ quan nào không đảm bảo công khai minh bạch, trước hết là trong ngân sách thì việc đầu tiên phải xử lý nghiêm người đứng đầu. 

Thời gian gần đây, chúng ta đã rất tích cực dùng mọi biện pháp nhằm tăng thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc chi tiêu vẫn luôn vượt dự toán để ra. Bà nhìn nhận thế nào về vấn đề này? 

Dự toán có thể “du di” không đúng 100% nhưng cũng phải tương đối chuẩn. Tức là, dự toán theo một vòng tròn khép kín, bao gồm mục tiêu theo quy hoạch, sau đó chi tiêu ngân sách, cuối cùng sản phẩm không nên vượt quá tầm kiểm soát. Ví dụ, dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông vượt xa quá nhiều so với dự toán ban đầu. Điều này phụ thuộc vào trách nhiệm, trình độ người đứng đầu, cần có biện pháp mạnh, phải kỷ luật, kỷ cương trong chi tiêu ngân sách. 

Với tư cách là đại biểu Quốc hội, chắc chắn bà sẽ phải đọc rất nhiều báo cáo về tài chính ngân sách. Vậy có khi nào các báo cáo khiến bà cảm thấy khó hiểu, thậm chí phải tìm sự trợ giúp từ các chuyên gia chuyên trách hay không? 

Khi đã là đại biểu đại diện cho người dân thì không thể nói không hiểu. Nếu không hiểu thì phải hỏi, không có chuyện vì đã là đại biểu nhân dân mà không hiểu. Với luật ngân sách hay bất kỳ luật gì tôi đều phải đọc, sau đó trao đổi với các chuyên gia trong các lĩnh vực đó. Sau khi tham khảo tất cả các ý kiến tôi mới phát biểu trên nghị trường quốc hội. 

Đấy là với trường hợp của bà, còn với người dân không thể có những điều kiện như bà thì như thế nào? 

Khi đã xác định cần phải công khai minh bạch thì cần phải thẩm thấu đến tận từng người dân. Nếu cán bộ thực sự có quyết tâm và có cái tâm thì tôi tin chắc sẽ làm được. Chúng ta có rất nhiều phương thức đưa thông tin đến người dân và làm cho người dân hiểu. Quan trọng là cán bộ có muốn lắng nghe dân, lấy ý kiến của người dân hay không. Nếu đã có thì không thiếu gì cách để làm. 

Đơn cử, với một xã vùng nông thôn được đầu tư về đường thì chỉ cần thông qua hội phụ nữ, hội nông dân, thông báo cho người dân biết được đầu tư bao nhiêu, đoạn đường như vậy đã thích hợp về mặt quy hoạch hay tài chính chưa. Có thất thoát, rơi rụng ở đâu không? Nếu vừa làm mà sau mấy tháng đã hỏng thì chất lượng có vấn đề. 

Chuyên đề