VNPT có dễ bán lại PTFinance?

(BĐT) - Ngày 19/4, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) công bố thông tin “rao bán” Công ty TNHH MTV Tài chính Bưu điện (PTFinance), một doanh nghiệp do VNPT nắm giữ 100% vốn. 
VNPT đang nỗ lực để bán và thu về đủ số vốn đầu tư vào PTFinance. Ảnh: Nhã Chi
VNPT đang nỗ lực để bán và thu về đủ số vốn đầu tư vào PTFinance. Ảnh: Nhã Chi

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một nguồn tin từ VNPT cho biết, đã có một nhà đầu tư trong nước bày tỏ sự quan tâm và hai bên đang đàm phán. Liệu thương vụ này có diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng?

Thực trạng tài chính của PTFinance

PTFinance có vốn điều lệ 500 tỷ đồng và được sở hữu 100% bởi VNPT. Theo báo cáo tài chính năm 2016, tổng tài sản của Công ty chỉ còn 378 tỷ đồng, thấp hơn vốn điều lệ và phần lớn tài sản nằm trong khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (gần 260 tỷ đồng). Mặc dù là doanh nghiệp nhà nước và phải công bố thông tin theo hướng dẫn của Nghị định số 81/2015/NĐ-CP, tuy nhiên, việc công bố thông tin của PTFinance lại rất sơ sài. Trong báo cáo tài chính này, PTFinance cũng không chỉ rõ con số vốn chủ sở hữu và nợ phải trả.

Theo đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và 3 năm gần nhất, lợi nhuận trước thuế của Công ty các năm 2014, 2015 và 2016 lần lượt là 19 tỷ đồng, 21 tỷ đồng và 14 tỷ đồng. Nguồn lợi nhuận có được chủ yếu đến từ cổ tức của các khoản đầu tư cổ phần… Hiện tại doanh nghiệp này không có hoạt động kinh doanh và chỉ tồn tại bằng các nguồn thu đó.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, nguồn tin từ VNPT cho biết, hiện tại vốn chủ sở hữu của PTFinance chỉ còn 145 tỷ đồng do kinh doanh thua lỗ nhiều năm. Như vậy, nếu lấy tổng tài sản trừ đi phần vốn chủ sở hữu thì nợ phải trả của Công ty là hơn 200 tỷ đồng.

Trong cuộc kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao tại VNPT ngày 15/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã yêu cầu VNPT giải trình, làm rõ về 3 nhiệm vụ chậm trễ. Trong đó có việc VNPT vẫn chưa hoàn thành xây dựng phương án tái cơ cấu PTFinance. Việc bán lại toàn bộ doanh nghiệp ngoài ngành này thay vì tái cơ cấu có vẻ là nhiệm vụ khả thi hơn đối với VNPT. 

Bán với giá nào?

Do bị thua lỗ và mất vốn điều lệ (chỉ còn 145 tỷ đồng trên vốn 500 tỷ đồng), câu hỏi đặt ra là VNPT sẽ bán PTFinance với giá bao nhiêu? Hiện tại, VNPT đang nỗ lực đàm phán bán với giá 10.000 đồng/CP, tức là sẽ thu hồi về đủ số vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Một trong những lợi thế trên bàn đàm phán mà VNPT đang có là việc Ngân hàng Nhà nước đang siết chặt cấp phép công ty tài chính.

Trong trường hợp bán dưới mệnh giá, VNPT phải xử lý rất nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh thua lỗ của PTFinance. Trước hết là trích lập dự phòng khoản thua lỗ khi đầu tư vào PTFinance. Thứ nữa là xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể trước đây đã gây nên tình trạng thua lỗ. Như vậy, nhà đầu tư muốn mua nhanh PTFinance phải chấp nhận thua thiệt về mặt tài chính. Trường hợp muốn mua sát giá trị thực, phải chờ đợi quá trình xử lý và chắc chắn mất nhiều thời gian.

Rõ ràng, thương vụ bán PTFinance của VNPT là không đơn giản.

Chuyên đề