VN-Index vượt đỉnh năm 2007 nhờ ‘thiên thời, địa lợi, nhân hoàn"

Giới phân tích trên thị trường chứng khoán nhìn chung đánh giá tích cực về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2018, với mức tăng trưởng cao dự báo của VN-Index sẽ vượt mức đỉnh lịch sử 1.179 điểm (tháng 3/2007).
Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Sau kỳ nghỉ Tết âm lịch, thị trường chứng khoán Việt Nam quay trở lại với những phiên giao dịch đầy “cảm xúc”. Bỏ qua mọi tâm lý lo âu cùng hoạt động bán tháo ở thời điểm trước Tết, dòng tiền lớn duy trì được mãnh lực và đẩy VN-Index đi lên, vượt đỉnh 1.115 điểm (ngày 26/1/2018).

Diễn biến thị trường những ngày qua cho thấy tâm lý của giới đầu tư trên thị trường nội địa khá tương đồng với thế giới.

Lợi thế từ hội nhập kinh tế

Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), kinh tế Việt Nam - năm 2018 sẽ có tăng trưởng tích cực dựa trên 3 nền tảng “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. 

Dưới góc nhìn của một chuyên gia tư vấn đầu tư, ông Linh tin tưởng những tín hiệu lạc quan từ đà phục hồi của kinh tế toàn cầu là yếu tố “thiên thời.” Bởi từ đó, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa sẽ tăng mạnh đồng thời mang tới những lợi thế cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Về điều này, ông Nguyễn Đình Thắng, Chuyên gia phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn–Hà Nội (SHS) cũng đồng tình quan điểm, các dự báo nhìn chung cho rằng kinh tế thế giới năm 2018 vẫn tăng trưởng tốt ở mức 3,1% và cao hơn dự báo của năm 2017. 

“Các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ dựa vào đầu tư, công nghệ chế tạo, thương mại hồi phục và do các nền kinh tế xuất khẩu nguyên vật liệu được hưởng lợi từ xu hướng tăng giá các loại mặt hàng này. Ngoài ra, xu hướng đầu và tiêu dùng cá nhân tiếp tục tăng cùng với tâm lý lạc quan của thị trường tài chính cũng được cho là động lực giúp tăng trưởng trong năm,” ông Thắng nói.

Tuy nhiên trong “cơ” vẫn thường trực “nguy,” trong khi giới đầu tư lạc quan về xu thế tăng trưởng thì phía điều hành chính sách lại tỏ ra quan ngại về xu thế bảo hộ đang gia tăng tại nhiều quốc gia.

Khẳng định những thách thức được nhìn thấy rất rõ, ông Thắng nhấn mạnh “trên bình diện quốc tế, các biện pháp nới lỏng tiền tệ nhằm kích thích tăng trưởng sẽ được các chính phủ siết chặt hơn, thêm vào đó xu hướng bảo hộ mậu dịch lại gia tăng, kéo theo các rào cản thương mại, gây ra những bất lợi cho tăng trưởng. Ngoài ra, những biến chuyển tại thị trường tài chính Mỹ (sau chính sách cải cách thuế mới có hiệu lực) cùng xu hướng tăng giá của đồng USD và tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc cũng sẽ là những yếu tố tác động tới bức tranh kinh tế thế giới trong năm 2018.”

Động lực từ nội địa

Trong nước, tâm trạng vốn “mong manh” trước đó của giới đầu tư đã sớm được “ủ ấm” nhờ vào những động thái quyết liệt của Chính phủ ngay trong những ngày làm việc đầu tiên của năm mới. 

Bên cạnh những thành công của năm 2017, cam kết tiếp tục cải cách thể chế và thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, giảm chi phí sản xuất - kinh doanh đã được những người đứng đầu Chính phủ khẳng định bằng hành động. 

Tại buổi làm việc đánh giá tình hình thực hiện Đề án xử lý các dự án theo Quyết định số 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 26/1), Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã truyền đi thông điệp của Chính phủ, kiên quyết không ngân sách để cứu dự án của Nhà nước làm ăn thua lỗ đồng thời sẽ xử lý theo nguyên tắc thị trường.
 
“Việc triển khai Nghị quyết Trung ương 5 về đẩy mạnh cải cách thể chế, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển đã trở thành động lực chính cho nền nền kinh tế. Điều này được kỳ vọng sẽ trở thành chất xúc đà tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân,” ông Thắng dự báo.

Trong bối cảnh an ninh, chính trị tại nhiều nước trên thế giới bị đe dọa bởi chủ nghĩa khủng bố, việc Việt Nam tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc trế cấp cao quan trọng (như Hội nghị APEC – năm 2017) đã nâng tầm quốc gia trên trường quốc tế, từ đó nâng cao niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng tăng trưởng của đất nước.

Bên cạnh đó, xu hướng lạc quan về tăng trưởng kinh tế cũng như thương mại toàn cầu năm 2018, tạo điều kiện để Việt Nam thúc đẩy gia tăng các hoạt động xuất và nhập khẩu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thông qua các Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương có hiệu lực.

Để tận dụng mọi lợi thế từ hội nhập, trong các cuộc làm việc với ngành ngoại giao và các tham tán thương mại, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắm thẳng vào công tác quản trị nhân sự, yêu cầu họ phải thực sự trở thành những “đại sứ kinh tế” của Việt Nam tại nước ngoài, nối “cánh tay dài” của doanh nghiệp trong nước tới trường quốc tế. 

Dòng vốn dồi dào

Với những yếu tố cơ bản đó, dòng vốn trong nước đang trở nên khá dồi dào, với kết quả huy động vốn trên thị trường chứng khoán năm 2017, đạt xấp xỉ 245.000 tỷ đồng cùng hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước thu về được 125.400 tỷ đồng.

Ông Linh đưa ra dự báo, “hai nhân tố đặc biệt thúc đẩy dòng tiền này vào Việt nam trong 2018. Đó là, giới đầu tư quốc tế đang có chiến lược chuyển vốn sang các thị trường mới nổi khá rõ để tìm kiếm cơ hội sinh lời cao cộng với làn sóng thoái vốn Nhà nước và phát hành cho cổ đông chiến lược tại tại các doanh nghiệp lớn trong nước.”

Thêm vào đó trên thị trường tiền tệ, lãi suất thấp huy động và cho vay tín dụng cùng thanh khoản hệ thống ngân hàng được duy trì ổn định định, điều này sẽ thúc đẩy người gửi tiền dịch chuyển một phần vốn sang kênh đầu tư chứng khoán. Sự dịch chuyển này hoàn toàn phù hợp với việc phát triển thị trường vốn song hành cùng thị trường ngân hàng trở thành kênh cấp vốn cho nền kinh tế. 

Đây là những yếu tố “địa lợi” ông Linh nhấn mạnh, “công cuộc tái cơ cấu kinh tế đang đi đúng hướng, nhìn thấy rõ nhất là ở hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp Nhà nước. Thêm vào đó ‘nhân hòa’ là quyết tâm cao của toàn bộ hệ thống chính trị cùng hướng đến mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững. Kinh tế tăng trưởng cao là nền tảng cơ bản vững chắc nhất cho thị trường chứng khoán.”

Giá 'chứng khoán' đang cao

Tuy nhiên bên cạnh những yếu tố cơ bản tích cực, các tín hiệu kỹ thuật đang cho thấy rủi ro của thị trường chứng khoán đang năm ở mức định giá.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng (ngày 29/12/2017), chỉ số P/E [tỷ số giá /thu nhập] của VN-Index đang ở mức 19,3 lần, thấp hơn mức P/E của các chỉ số chứng khoán chính trong khu vực (P/E của JCI Index - Indonesia là 23,2 lần, PCOMP Index - Philippines là 23,1 lần), nhưng cao hơn P/E của SET Index - Thailand là 16,9 điểm.

Nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá, thị trường Việt Nam không còn ở mức rẻ so các thị trường chứng khoán khác trong khu vực song vẫn ở mức có thể chấp nhận được cho tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. 

Trước đó, hầu hết các dự báo đều cho rằng, mức P/E của VN-Index trong năm 2018 có thể lên mức 20-22 lần, do lợi nhuận của các công ty tăng tốt có thể đạt đến 30% cũng như sức hút từ triển vọng nâng hạng thị trường lên mới nối. 

“Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt với các doanh nghiệp mới niêm yết và câu chuyện thoái vốn Nhà nước sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn trong năm 2018,” ông Thắng nói.

Hiện tại, ông Linh cũng cho biết P/E của VN-Index đã lên mức 20,4 lần và cao hơn mức trung bình 5 năm trở lại đây chỉ là 14,4 lần. Do đó, ông này khuyến cáo, “ở mức cao như vậy khả năng điều chỉnh của thị trường cũng lớn hơn, song điều này sẽ có tác động thanh lọc của các doanh nghiệp tốt và không tốt. Doanh nghiệp tốt sẽ vẫn tăng giá ngay cả khi thị trường chung giảm, vì vậy các nhà đầu tư cần phải tỉnh táo phân biệt, tránh tâm lý nóng vội cuốn theo hiệu ứng đám đông.” 

Sau khi so sánh tỷ suất sinh lời của một số kênh đầu tư trong năm 2017, lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng đạt 6,5-7,5%/năm, giá vàng tăng 13%/năm, thị trường chứng khoán 48%/năm, tỷ giá USD giảm10,2%, ông Thắng cho rằng “thị trường chứng khoán vẫn có cơ sở lựa chọn đối với cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế, khi nó vẫn kênh đầu tư có hiệu suất sinh lời cao nhất trong năm 2018”./.

Chuyên đề