VN-Index giảm phiên thứ ba liên tiếp

Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang với nguy cơ chuyển sang chiến tranh tiền tệ khiến VN-Index giảm hơn 8 điểm, lùi về gần ngưỡng hỗ trợ 960.

Đi cùng đà giảm của VN-Index, VN30-Index, chỉ số đại diện cho nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn, cũng giảm 6,26 điểm (tương đương 0,72%), xuống 866,13 điểm. HNX-Index và UPCOM-Index, không nằm ngoài xu hướng chung, giảm lần lượt 0,99% và 0,1%.

Đà giảm của phiên tiếp tục nối dài sắc đỏ trên thị trường chứng khoán Việt Nam, sau những căng thẳng leo thang từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, thậm chí đang có nguy cơ chuyển sang chiến tranh tiền tệ. Trước động thái hạ giá nhân dân tệ (CNY) của Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đầu tuần, Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức gọi Trung Quốc là "quốc gia thao túng tiền tệ", lần đầu tiên kể từ năm 1994. Giới phân tích đang chờ phản ứng tiếp theo của Nhà Trắng, nhưng cũng lo ngại chiến tranh tiền tệ sẽ diễn ra.

VN-Index đã mất tổng cộng gần 33 điểm sau ba phiên giảm liên tiếp kể từ khi căng thẳng Mỹ - Trung đẩy lên nấc thang mới, lùi về gần ngưỡng 960 điểm. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng vẫn có những điểm tích cực trên thị trường, như biên độ giảm đã có phần thu hẹp, dòng tiền bắt đáy tham gia tích cực hơn, trong khi nhiều cổ phiếu đã về mức giá phù hợp.

Không khác nhiều so với phiên hôm qua, VN-Index mở cửa phiên hôm nay với sắc đỏ và giảm sâu dưới ngưỡng tham chiếu. Trạng thái tiêu cực được đẩy lên cao, cùng chiều với các thị trường chính trong khu vực châu Á và chịu tác động từ phiên giao dịch tối qua của thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, biên độ giảm trên 10 điểm chỉ duy trì tới gần cuối phiên sáng. Dòng tiền bắt đáy tham gia tích cực hơn, đặc biệt ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn, giúp VN-Index thu hẹp đà giảm. Dù không có hy vọng trở lại ngưỡng tham chiếu, biên độ giảm đến cuối phiên được thu hẹp chỉ còn 8,54 điểm, so với mức giảm cao nhất gần 15 điểm khi mở cửa.

Trong nhóm VN30, cổ phiếu VIC của Vingroup đến cuối phiên tăng 1.800 đồng, PNJ tăng 3.100 đồng, MWG tăng 500 đồng. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, MSN, CTD, BVH, VHM tiếp tục giảm mạnh, nối dài đà giảm từ phiên đầu tuần.

Ở nhóm vốn hóa thấp hơn, cổ phiếu khu công nghiệp tiếp tục là điểm sáng khi những căng thẳng Mỹ - Trung leo thang. Nhóm cổ phiếu này được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ việc chuyển hướng đầu tư. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu liên quan tới Viettel có dấu hiệu chốt lời với đà giảm chững lại. 

Thanh khoản toàn thị trường tiếp tục duy trì ở mức cao, đạt gần 7.500 tỷ đồng ở hai sàn niêm yết và thị trường UPCoM. Trong đó, riêng sàn HoSE giá trị giao dịch đạt gần 6.000 tỷ đồng, tăng gần 16% so với phiên hôm qua.

Trong bản tin tối qua, các công ty chứng khoán tiếp tục đưa ra nhận định thận trọng về xu hướng thị trường, nhưng để ngỏ khả năng có những nhịp hồi phục kỹ thuật. Đà giảm sâu trong phiên đầu tuần nhưng không chịu áp lực bán tháo quá mạnh được đánh giá là một điểm sáng, bên cạnh đó nhiều cổ phiếu cũng điều chỉnh về mức giá phù hợp hơn. SHS và KB Việt Nam khuyến nghị nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân một phần tại những ngưỡng hỗ trợ quan trọng.

Chuyên đề