VND vững vàng trước sóng gió Covid-19

(BĐT) - Cán cân thanh toán bền vững, dự trữ ngoại hối lớn góp phần giữ ổn định tỷ giá USD/VND, đồng thời gia tăng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Những yếu tố đó cùng nhau tạo tấm đệm tốt cho cơ quan điều hành chính sách tiền tệ trong việc đưa ra những quyết sách ứng phó với tác động của dịch Covid-19 hiện nay.
Các chính sách điều hành tiền tệ của Việt Nam hướng tới mục tiêu ổn định tỷ giá USD/VND nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư. Ảnh: Lê Tiên
Các chính sách điều hành tiền tệ của Việt Nam hướng tới mục tiêu ổn định tỷ giá USD/VND nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư. Ảnh: Lê Tiên

Nghiên cứu về tác động của dịch Covid-19 đối với kinh tế Việt Nam vừa được Công ty Quản lý quỹ VinaCapital công bố nhấn mạnh tác động hạn chế của dịch này đối với VND. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, VinaCapital dự báo VND sẽ bắt đầu mạnh lên kể từ năm 2021 dựa trên thực tế về thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam và dự trữ ngoại hối trong 9 năm qua.

Theo các chuyên gia của quỹ đầu tư này, diễn biến của VND cần được đánh giá lại sau khi tác động tức thì của Covid-19 với kinh tế thế giới dịu đi. Tuy nhiên, VND sẽ không giảm giá mạnh như trong giai đoạn 2009 - 2011. Thực tế, trong năm nay, VND đã ổn định đáng kể trong so sánh với các đồng tiền trong khu vực.

Đáng chú ý, trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tích được nguồn dự trữ ngoại hối lên đến 20 tỷ USD, cộng thêm khoảng 5 tỷ USD từ đầu năm đến nay, nâng tổng số dự trữ ngoại hối lên trên 84 tỷ USD tương đương 33% GDP.

Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp (FII) đổ vào Việt Nam đã lên đến khoảng 30 tỷ USD, gần một nửa trong số đó đổ vào các khoản đầu tư có thanh khoản kém như: vốn chủ sở hữu tư nhân, vốn đầu tư chiến lược (dài hạn) vào các công ty niêm yết. Vì vậy, không có khả năng về việc “dòng tiền nóng” sẽ chảy khỏi kho dự trữ ngoại hối của Việt Nam (kể cả những khoản nợ nước ngoài ngắn hạn cũng được quản lý rất chặt chẽ).

Bên cạnh đó, có một số lý do quan trọng khác để kỳ vọng VND không chịu tác động mạnh trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại. Động cơ chính mang lại thặng dư cho cán cân thanh toán của Việt Nam trong vòng 5 năm qua là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xấp xỉ 7% GDP và dòng kiều hối xấp xỉ 6% GDP chứ không phải là thặng dư thương mại ở mức chỉ khoảng 1% GDP.

Đáng chú ý, các nhà điều hành chính sách của Việt Nam đặt mục tiêu ổn định tỷ giá USD/VND nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư.

Hơn nữa, cả vốn FDI và kiều hối sẽ chậm lại trong năm nay, nhưng chắc chắn sẽ tăng trở lại đáng kể từ năm 2021. Cần lưu ý, không giống như Philippines, hầu hết dòng kiều hối đổ vào Việt Nam là từ các gia đình gốc Việt thuộc tầng lớp trung lưu ở Mỹ, chứ không phải là dòng tiền từ nguồn xuất khẩu lao động.

Tương tự, trong báo cáo xếp hạng tín nhiệm về Việt Nam vừa công bố, tổ chức Fitch Ratings cũng nhận định, một trong những điểm sáng của Việt Nam là hoạt động tín dụng không bị ảnh hưởng. Tổ chức này cũng đánh giá cao việc Việt Nam đã tận dụng điều kiện kinh tế thuận lợi trong những năm qua để củng cố tình hình tài khóa và gia tăng dự trữ ngoại hối, góp phần tăng mức đệm dự phòng trước những rủi ro vĩ mô.

Cùng phân tích về chính sách tiền tệ ứng phó với dịch Covid-19, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, dư địa chính sách tiền tệ còn nhiều. Theo đó, trước khi dịch bệnh bùng phát, tăng trưởng kinh tế của thế giới và Việt Nam đều đang trên đà tích cực. Các chính sách điều hành kinh tế lớn của Việt Nam đa phần đi đúng hướng. Trong 5 năm trở lại đây, cùng với sự vươn lên của khối FDI và tư nhân, Việt Nam đã xuất siêu với giá trị tăng dần, từ đó mang đến một lượng lớn ngoại tệ, giúp gia tăng cung tiền và ổn định thanh khoản hệ thống ngân hàng.

Từ phía cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định: “Ngành ngân hàng cũng như NHNN hoàn toàn có đủ năng lực và công cụ để kiểm soát và giữ ổn định thị trường ngoại tệ, giữ ổn định được tỷ giá để đảm bảo củng cố được niềm tin của thị trường và các nhà đầu tư. Chúng tôi cũng sẵn sàng các phương án can thiệp vào thị trường ngoại tệ khi cần thiết liên quan đến các diễn biến bất lợi. Từ đầu năm đến nay, chúng ta chưa phải can thiệp ngoại tệ vào thị trường. Với dự trữ ngoại hối trên 84 tỷ USD hiện nay, chúng ta hoàn toàn có đủ nguồn lực để đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô”.

Chuyên đề