Vinamotor chậm trả người lao động hơn chục tỷ đồng

(BĐT) - Mới chỉ sang tay chủ mới (Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam - Vinamco) hơn 1 năm, Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor) đã thông báo hủy đăng ký công ty đại chúng (CTĐC). Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đặt ra kế hoạch 2017 khiêm tốn so với năm 2016.
Năm 2017, Vinamotor đặt chỉ tiêu kinh doanh giảm mạnh so với năm 2016
Năm 2017, Vinamotor đặt chỉ tiêu kinh doanh giảm mạnh so với năm 2016

Hủy đăng ký công ty đại chúng không rõ lý do

Ngày 29/6 Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo hủy đăng ký công ty đại chúng đối với Vinamotor, lý do hủy không được nêu rõ.

Theo Điều 25 về "Công ty đại chúng", Luật Chứng khoán 2006, CTĐC là công ty cổ phần thuộc một trong ba loại hình sau: (i) Công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng; (ii) Công ty có cổ phiếu được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán hoặc Trung tâm Giao dịch chứng khoán; (iii) Công ty có cổ phiếu được ít nhất một trăm (100) nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ mười (10) tỷ đồng trở lên.

Trong trường hợp của Vinamotor, nhiều khả năng doanh nghiệp này có dưới 100 nhà đầu tư sở hữu nên hủy đăng ký CTĐC.

Như vậy, với việc nắm giữ toàn bộ quyền chi phối và hủy đăng ký công ty đại chúng, Công ty Vinamco có thể toàn quyền quyết định mọi hoạt động của Vinamotor mà không phải công bố thông tin có thể gây ảnh hưởng lớn đến các nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện tại của Công ty. 

Kế hoạch kinh doanh 2017 giảm sút

Theo thông tin được Vinamotor công bố tại ĐHĐCĐ mới đây, doanh thu năm 2016 đạt 946 tỷ đồng (tăng 8% so với năm 2015); lợi nhuận sau thuế tăng tới 90%, đạt 142,5 tỷ đồng. Sang năm 2017, Vinamotor đặt chỉ tiêu kinh doanh giảm sút so với năm 2016. Cụ thể, tổng doanh thu kế hoạch và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 660 tỷ đồng (giảm 30% so với năm 2016), và 47 tỷ đồng (bằng 32,5% so với năm 2016). Tuy nhiên, Vinamotor lại có kế hoạch tăng thu nhập bình quân cho người lao động từ 7,1 triệu đồng/người/tháng lên 8,7 triệu đồng/người/tháng.

Lý giải cho việc hạ chỉ tiêu sản xuất kinh doanh 2017, Vinamotor cho biết, 2017 được dự báo là một năm khó khăn cho ngành ô tô Việt Nam khi thị trường tiêu thụ sẽ theo xu hướng cầm chừng, chờ đợi chính sách giảm thuế xe nhập khẩu từ ASEAN. Theo kế hoạch của Chính phủ, Việt Nam có thể sẽ áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới EURO 4 nên hầu hết các nhà sản xuất xe Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu về sản phẩm. Ngoài việc hạ chỉ tiêu kinh doanh 2017, doanh nghiệp này vẫn đang vướng mắc trong việc thanh toán tiền cho cán bộ, công nhân viên đã tham gia góp vốn trong một dự án bất động sản đã tồn tại hơn 12 năm nay.

Tại thời điểm 31/12/2016, số dư phải trả ngắn hạn khác của Vinamotor là 46,1 tỷ đồng, trong đó có 11,2 tỷ đồng là số phải trả cán bộ, công nhân viên tham gia góp vốn Dự án “Xây dựng phân hiệu trường trung cấp nghề công nghệ ô tô và xây dựng hạ tầng khu nhà ở cán bộ công nhân viên tại Việt Yên, Bắc Giang”. Dự án bắt đầu triển khai từ năm 2004, đến nay vẫn chưa hoàn thành. Ngày 22/9/2014, Tổng công ty đã có Quyết định số 56/TCCBLĐ về việc giải thể Trường Trung cấp nghề công nghệ ô tô và sáp nhập số liệu về Tổng công ty. Đến nay, dự án này vẫn chưa thể quyết toán.

Liên quan đến dự án này, tổng chi phí đầu tư xây dựng dở dang đang được ghi nhận trên sổ sách kế toán là gần 10,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án dừng thi công từ nhiều năm nay và hiện nay Nhà nước có Quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành dự án xã hội khác. Tổng công ty vẫn đang làm việc với cơ quan chức năng để xác định chi phí đã thực hiện đầu tư được Nhà nước bồi hoàn do thu hồi Dự án.

Chuyên đề