Vinalines vật lộn bán tàu ế

(BĐT) - Lên kế hoạch bán hàng loạt tàu nhằm cắt lỗ và cơ cấu lại tài chính từ giữa năm 2016 nhưng đến nay Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vẫn chưa hoàn thành. Tàu cũ trong danh mục bán là những tài sản quy mô lớn nhưng việc xác định giá trị là công việc không dễ dàng.
Vinalines quyết tâm cắt lỗ với việc “thả nổi” giá bán tàu Vinalines Trader thông qua hình thức chào bán cạnh tranh. Ảnh: Quang Tuấn
Vinalines quyết tâm cắt lỗ với việc “thả nổi” giá bán tàu Vinalines Trader thông qua hình thức chào bán cạnh tranh. Ảnh: Quang Tuấn

Thả nổi giá bán Vinalines Trader

Sau nhiều lần được đem ra bán đấu giá không thành công, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam vừa ra thông báo chào bán cạnh tranh tàu Vinalines Trader. Theo thông báo của Vinalines, thư chào mua tàu được quy định gửi 1 lần với giá chào tốt nhất, tới trước 14h00 ngày 31/8/2017. Thư chào giá phải nêu rõ giá chào mua là giá chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (10%), phí, lệ phí theo quy định hiện hành của Nhà nước, tiền nhiên liệu, dầu nhờn còn lại trên tàu.

Vinalines Trader, IMO 9140554, đóng năm 1997 tại Nhật Bản hiện vẫn đang hoạt động, có hạn lên đà trung gian là 20/10/2017. Lượng nhiên liệu còn lại trên tàu tính đến ngày 23/8/2017 là FO/DO 549,664/5,38 mts. Tàu đang được neo đậu tại Khu neo Hòn Gai, Quảng Ninh.

Trước đó, vào ngày 21/6/2017 và ngày 23/8, Vinalines Trader đã được đưa ra bán đấu giá với giá khởi điểm lần lượt là 97 tỷ đồng và 64,3 tỷ đồng. Trong khi đó, theo báo cáo của Vinalines, tàu Vinalines Trader được mua vào ngày 24/9/2010 với giá hơn 541,3 tỷ đồng, giá trị còn lại đến 30/6/2017 khoảng 105,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, sau 2 lần định giá tối thiểu để bán Vinalines Trader thông qua đấu giá tài sản không thành, Vinalines quyết tâm cắt lỗ tài sản này với việc “thả nổi” giá bán thông qua hình thức chào bán cạnh tranh. 

Bán cắt lỗ

Mặc dù Vinalines đưa ra giá khá thấp so với giá mua ban đầu, vẫn không có nhiều khách hàng hào hứng với các con tàu cũ nát.
Vận tải biển vốn là lĩnh vực kinh doanh trọng tâm của Vinalines. Tuy nhiên đây lại đang là gánh nặng đối với doanh nghiệp này bởi chi phí duy trì đội tàu cũ nát. Vinalines cho biết sẽ tập trung cơ cấu lại đội tàu phù hợp với nhu cầu của thị trường; có phương án bán những tàu cũ khai thác không hiệu quả để giảm lỗ.

Cuối tháng 5/2016, Vinalines đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải thông qua chủ trương bán 6 con tàu cũ: Vinalines Global, Vinalines Trader, Vinalines Fortuna, Vinalines Star, Vinalines Ocean và Vinalines Ruby vào quý II/2016 nhằm “cắt lỗ”, cải thiện kết quả kinh doanh đội tàu đang vô cùng bết bát. Theo ước tính, cả 6 tàu đều được bán với mức giá cực thấp so với số tiền đầu tư ban đầu. Đơn cử, tháng 1/2008, Vinalines mua tàu Jag Akshay với giá 71 triệu USD từ Great Eastern Shipping Co., Ltd. (Ấn Độ), đặt tên là Vinalines Global. Sau 8 năm khai thác, vào tháng 10/2016, Vinalines đã tiến hành bán đấu giá tàu Vinalines Global, IMO 9050668, đóng năm 1994, với giá khởi điểm 58,951 tỷ đồng (tương đương 2,64 triệu USD).  Mức giá trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng 10% và chưa bao gồm các chi phí thực tế mà khách hàng trúng đấu giá (bên mua tàu) phải thanh toán cho bên có tài sản đối với lượng nhiên liệu, dầu nhờn, thực phẩm còn lại trên tàu tại thời điểm bàn giao tàu.

Mặc dù Vinalines đưa ra giá khá thấp so với giá mua ban đầu, vẫn không có nhiều khách hàng hào hứng với các con tàu cũ nát. Nhiều tàu thuộc thế hệ tàu cũ, chi phí sửa chữa, vật tư, phụ tùng, dầu nhờn... tăng lên, khiến chi phí duy trì tàu lớn. Trong khi đó, lượng tàu trên thế giới đang dư thừa, tăng trưởng ngành vận tải biển chậm lại khiến nhiều phiên đấu giá tàu cũ của Vinalines không thành công.

Bên cạnh việc tích cực tìm cách bán tàu cũ, Vinalines cũng dừng triển khai đóng mới 6 tàu, giãn tiến độ thực hiện 11 tàu và tập trung đóng mới dứt điểm 7 tàu để đưa vào khai thác trong các chương trình đóng mới tàu biển đã ký với Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.

Chuyên đề