Vimeco trong tầm ngắm thâu tóm

(BĐT) - Ngay sau khi Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán VCG) phát đi thông tin thoái hết vốn tại Công ty CP Vimeco (mã chứng khoán VMC), cổ phiếu của DN này đã bứt phá mạnh mẽ. 
Dự án CT4, dự kiến bàn giao cho khách hàng trong năm 2017, sẽ mang về cho Vimeco 1.415 tỷ đồng doanh thu. Ảnh: Lê Tiên
Dự án CT4, dự kiến bàn giao cho khách hàng trong năm 2017, sẽ mang về cho Vimeco 1.415 tỷ đồng doanh thu. Ảnh: Lê Tiên

Trước đó, một số cổ đông lớn của Vimeco cũng thông báo bán ra. Vì sao lượng cung tăng và giá cổ phiếu lại cùng tăng? Thay vì phản ánh kết quả kinh doanh, có lẽ giao dịch cổ phiếu này phản ánh “game” thâu tóm nhiều hơn.

Biên dao động giá lớn, thanh khoản tăng mạnh

Nhờ động thái thoái vốn của các cổ đông lớn, khối lượng giao dịch của cổ phiếu VMC đã được đẩy lên cao nhất từ trước đến nay. Biên độ dao động giá của cổ phiếu VMC được mở rộng trong 1 tháng trở lại đây với mức trung bình khoảng 7 - 9% trong phiên. Khối lượng bình quân giao dịch trong 10 phiên gần nhất đã đạt gần 90.000 CP. 

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một số chuyên gia phân tích đầu tư cho biết, ẩn chứa trong sự thay đổi cách thức giao dịch và thanh khoản của cổ phiếu VMC thời gian qua liên quan đến nhóm cổ đông lớn sẵn sàng mua nốt 51,41% cổ phần Vinaconex đang sở hữu. Nhiều khả năng nhóm cổ đông hiện đang sở hữu tới 27,91% cổ phần VMC sẽ chi tiền mua nốt phần vốn còn lại để nắm quyền kiểm soát Công ty.

Theo tính toán, trong trường hợp Vinaconex thoái vốn theo giá thị trường thì nhóm cổ đông này sẽ chi ra khoảng 184 tỷ đồng. Để có thể thu xếp được nguồn vốn này, cách đơn giản nhất là sử dụng đòn bẩy tài chính thông qua hoạt động repo, margin theo quy định hoặc mở rộng. Và đương nhiên thanh khoản là yếu tố tiên quyết để các tổ chức tài chính xem xét cấp hạn mức tín dụng. Với kịch bản này, nhiều khả năng giá trị giao dịch cùng với thanh khoản của cổ phiếu VMC sẽ được đẩy lên gấp 2 - 3 lần trong thời gian tới.   

Sức hút đến từ đâu?

Vimeco và công ty con hiện đang quản lý khoảng 4,4 ha đất thương mại dịch vụ, phi nông nghiệp đóng thuế hàng năm rải rác trong các khu dân cư tại các huyện Thanh Trì, Từ Liêm, Sóc Sơn (Hà Nội) và hai mỏ đá xây dựng (tại Kim Bảng - Hà Nam, Quốc Oai - Hà Nội) với trữ lượng 12 triệu m3.
Tại thời điểm 31/3/2017, Vimeco đang có khoảng trên 418 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi có kỳ hạn ngắn tại các ngân hàng, gấp hơn 4 lần vốn điều lệ của Công ty. Việc nắm cổ phần chi phối Vimeco đồng nghĩa với việc sở hữu nguồn tiền mặt dồi dào này.

Tiếp đến là khả năng ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ Dự án CT4 Vimeco khi bắt đầu bàn giao nhà cho khách hàng trong năm 2017. Báo cáo tài chính quý I/2017 hiện đang ghi nhận gần 946 tỷ đồng tiền thu từ Dự án (tỷ lệ nộp tiền thời điểm hiện tại là 70% giá trị căn nhà). Theo tính toán của phóng viên, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của dự án này ước tính lần lượt 1.415 tỷ đồng (đơn giá bán bình quân chung cư 25 triệu/m2) và 82,5 tỷ đồng. Trường hợp Vimeco ghi nhận toàn bộ Dự án trong năm 2017 thì sẽ tạo nên sự đột biến lớn về cả doanh thu và lợi nhuận.

Ngoài ra, Vimeco và công ty con hiện đang quản lý khoảng 4,4 ha đất thương mại dịch vụ, phi nông nghiệp đóng thuế hàng năm rải rác trong các khu dân cư tại các quận, huyện Thanh Trì, Từ Liêm, Sóc Sơn (Hà Nội) và hai mỏ đá xây dựng (tại Kim Bảng - Hà Nam, Quốc Oai - Hà Nội) với trữ lượng 12 triệu m3 đá, lợi thế thương mại ước tính lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Mặc dù có lợi thế nêu trên nhưng hiệu quả kinh doanh hay lợi thế ngành nghề không phải là những điểm hấp dẫn của Vimeco. Số liệu tài chính cho thấy, Công ty đạt doanh thu 1.452 tỷ đồng năm 2016 và duy trì được tốc độ tăng trưởng doanh thu khá tốt với mức bình quân 17,81% trong vòng 4 năm từ 2013 - 2016. Tuy nhiên, lợi nhuận đem lại cho cổ đông lại ở mức khá khiêm tốn. Lợi nhuận sau thuế chỉ khoảng 28 tỷ đồng, tương đương biên lợi nhuận sau thuế 1,9%, thấp hơn rất nhiều so với các mức bình quân 8 - 10% của ngành.

Tìm hiểu sâu hơn, doanh thu hàng năm của Công ty tập trung chủ yếu vào hai mảng là thi công xây lắp và cung cấp bê tông thương phẩm. Song cũng như các doanh nghiệp trực thuộc, do không thể kiểm soát được chi phí giá vốn nên biên lợi nhuận gộp của Công ty tại 2 mảng này cũng chỉ đạt từ 3 - 4% doanh thu thuần, thấp hơn 3 - 5 lần so với các doanh nghiệp cùng ngành (hoạt động xây lắp biên lợi nhuận gộp 8 - 10%, hoạt động cung cấp bê tông thương phẩm biên lợi nhuận từ 15 - 20%).

Bên cạnh đó, cần lưu ý đến những rủi ro liên quan đến đạo đức của ban lãnh đạo ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cổ đông. Cách đây chưa lâu, năm 2015, vụ lùm xùm quanh việc huy động vốn của Dự án CT4 đã được báo chí phanh phui. Nhiều lãnh đạo cao cấp của Vimeco nằm trong danh sách được mua 20% quỹ nhà ở (tương đương 80 căn hộ) tại thời điểm Dự án chưa hoàn thiện móng. Ngay sau đó, hầu hết các vị này đều bán suất “ngoại giao” ra bên ngoài để kiếm chênh từ 350 - 400 triệu đồng/căn. Làm phép toán đơn giản, tiền chênh từ việc bán suất “hợp đồng góp vốn” ước tính khoảng 25 - 28 tỷ đồng.  Sự việc được nêu ra nhưng sau đó bị chìm vào im lặng.

Chuyên đề