Việt Nam còn 'tắc' 22 tỷ USD vốn ODA

Trong hơn 20 tỷ USD tồn đọng, đại diện Chính phủ cho biết có 2,15 tỷ USD buộc phải giải ngân ngay trong năm nay.
Trong khi nhiều dự án thiếu vốn thì vẫn có 22 tỷ USD vốn ODA chưa thể giải ngân do vướng mắc về vốn đối ứng, giải phóng mặt bằng, chất lượng nhà thầu...
Trong khi nhiều dự án thiếu vốn thì vẫn có 22 tỷ USD vốn ODA chưa thể giải ngân do vướng mắc về vốn đối ứng, giải phóng mặt bằng, chất lượng nhà thầu...

Theo báo cáo của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), trong số hàng chục tỷ USD vốn ODA được nhà tài trợ cam kết trong những năm qua, Việt Nam đã giải ngân được 27,8 tỷ USD. Tuy vậy, vẫn còn khoảng 22 tỷ USD chưa thể giải ngân do nhiều vướng mắc. Điều này khiến dấy lên những lo ngại về hiệu quả sử dụng vốn ODA của Việt Nam.

Theo một tính toán của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nếu tình hình giải ngân không được cải thiện, hằng năm, Việt Nam sẽ mất khoảng 100 triệu USD chi phí cơ hội.

Trả lời báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 2/6, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng thông tin thêm, tổng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã được giải ngân lũy kế đến tháng 5 đạt khoảng 71% tổng vốn ODA ký kết.

"Trong 22 tỷ USD đã ký kết có 2,15 tỷ USD phải giải ngân trước năm 2016, còn lại là những dự án đã có kế hoạch giải ngân theo lộ trình đến năm 2020 và nhiều dự án sau năm 2020", ông Mai Tiến Dũng nói.

Người phát ngôn Chính phủ cũng cho biết sẽ quyết liệt chỉ đạo đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA phải thực hiện giải ngân theo đúng tiến độ đã cam kết trong hiệp định, bảo đảm sử dụng vốn hiệu quả.

Trao đổi với báo chí sáng 3/6, ông Hoàng Hải - Phó cục trưởng Cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), cho biết luôn có sự chênh đáng kể giữa số vốn cam kết và thực tế giải ngân và việc chậm giải ngân không hẳn vì thiếu vốn đối ứng.

"Chúng tôi đã nghe ý kiến đại diện Bộ ngành, địa phương, chủ dự án để xem xét vướng mắc. Làm sao mục tiêu quan trọng nhất là đơn giản hóa thủ tục hành chính và cơ chế tài chính thực sự là rõ ràng. Khi dự án được triển khai, ngay từ khâu hình thành ý tưởng đã từng bước có cơ chế tài chính, tránh tình trạng vốn bị chậm".

Cũng theo đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, lĩnh vực giao thông hiện nhận được nhiều vốn ODA ưu đãi nhất, sau đó đến ngành y tế và giáo dục.

Ước tính trung bình các năm gần đây, lượng giải ngân ODA và vốn vay ưu đãi khác đạt khoảng 5 tỷ USD mỗi năm.

Chuyên đề