Vì sao tỷ giá tăng sau Tết

Đà tăng của tỷ giá gần đây là ảnh hưởng từ đồng đôla Mỹ mạnh lên và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Trong cả tháng 1, tỷ giá USD gần như đi ngang quanh mức chốt năm 2019, với nguồn cung ngoại tệ dồi dào. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tỷ giá đồng bạc xanh với tiền đồng đã bật tăng trên cả thị trường ngân hàng và tự do.

Đến giữa tháng 2, tỷ giá trung tâm đã tăng 50 đồng so với giữa tháng 1, lên mức đỉnh mới là 23.206 đồng. Tỷ giá giao dịch trung bình trên thị trường ngân hàng cũng tăng 20 đồng ở chiều mua và 40 đồng ở chiều bán. Tỷ giá trên thị trường tự do được mua - bán ở ngưỡng 23.200 - 23.300 đồng, tăng 30 và 120 đồng so với cuối năm 2019. 

SSI Research đánh giá: "Chênh lệch tỷ giá mua vào và bán ra nới rộng, hiện ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây cho thấy tâm lý thận trọng trước rủi ro tỷ giá đang gia tăng".

Theo nhóm phân tích, ảnh hưởng từ dịch viêm phổi khiến thương mại và du lịch giảm sút có thể làm nguồn cung ngoại tệ không dồi dào như năm 2019. Tuy nhiên, bộ đệm ứng phó các biến động tỷ giá vẫn được đánh giá là khá vững. Theo đó, tỷ giá giao dịch trên ngân hàng dự báo sẽ có biến động nhưng mức tăng không nhiều, trừ khi có những diễn biến trầm trọng hơn của dịch bệnh. 

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tỷ giá USD/VND tăng mạnh trong bối cảnh đồng bạc xanh đi lên khi các nhà đầu tư tìm đến tài sản an toàn, trước rủi ro liên quan đến nCoV. Tuy nhiên, BVSC cho rằng nguồn cung ngoại tệ tiếp tục dồi dào sẽ giúp tỷ giá USD ổn định trong thời gian tới. 

Thực tế, diễn biến của tiền đồng cũng không phải cá biệt. Trên thị trường tiền tệ quốc tế, sức ảnh hưởng của đồng bạc xanh đang tăng.

Dollar Index - đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ 6 tiền tệ lớn trên thế giới - đã tăng hơn 2,5% năm nay, lên cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Đây là mức tăng ấn tượng, so với chỉ 0,2% cả năm 2019.

"Có nhiều yếu tố hỗ trợ đồng đôla tại thời điểm này", Win Thin - Giám đốc chiến lược tiền tệ tại Brown Brothers Harriman nói với CNN. Trong khi đó, Matt Weller - Giám đốc nghiên cứu tại GAIN Capital lý giải, Mỹ có mức độ phụ thuộc vào thương mại toàn cầu thấp, đồng nghĩa họ không chịu nhiều tác động khi tăng trưởng toàn cầu đi xuống vì virus corona.

Ngoại trừ JPY và CHF, hầu hết đồng tiền đều giảm giá so với đôla Mỹ, trong đó mạnh nhất là đồng baht của Thái Lan. 

Trái với việc là đồng tiền mạnh nhất châu Á năm 2019, đồng nội tệ của Thái Lan đã quay đầu giảm 4,94% chỉ trong tháng 1. Nhóm ba đồng tiền giảm giá mạnh nhất tháng 1 còn có KWR (-3,46%) và RUB (-3,25%), cũng do ảnh hưởng từ dịch bệnh khiến giao thương gián đoạn và giá dầu giảm.

"Hiện tại, diễn biến dịch bệnh vẫn là tâm điểm tác động lên thị trường quốc tế", SSI Research đánh giá. Các yếu tố tích cực như chỉ số kinh tế Mỹ, nới lỏng của các ngân hàng trung ương hay sự cải thiện quan hệ Mỹ - Trung có thể có những tác động nhất định, nhưng khi dịch bệnh chưa có dấu hiệu được kiểm soát, rủi ro trên thị trường tài chính còn rất cao. 

Chuyên đề