Vì sao thu ngân sách của ngành hải quan vẫn tăng?

(BĐT) - Dù có nhiều khó khăn, thách thức, song số thu ngân sách nhà nước (NSNN) của ngành hải quan vẫn đạt khá. Đến ngày 17/12/2019, tổng số thu thuế của toàn ngành hải quan đạt 335.600 tỷ đồng, bằng 111,7% dự toán theo chỉ tiêu pháp lệnh và bằng 106,4% so với chỉ tiêu phấn đấu Bộ Tài chính giao, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Đến ngày 17/12/2019, tổng số thu thuế của toàn ngành hải quan đạt 335.600 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2018. Ảnh: Lê Tiên
Đến ngày 17/12/2019, tổng số thu thuế của toàn ngành hải quan đạt 335.600 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2018. Ảnh: Lê Tiên

Theo Tổng cục Hải quan, tổng số thu năm 2019 tăng so với cùng kỳ năm trước là do Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng và hiệu quả hơn với các nước trên thế giới và khu vực. Mặc dù việc ký kết và đưa vào thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) khiến thuế suất thuế nhập khẩu bước vào giai đoạn cắt giảm mạnh, tuy nhiên, việc thực thi các FTA cũng tạo điều kiện thuận lợi thương mại đa phương và song phương với hầu hết các đối tác thương mại lớn của Việt Nam, kéo theo sự cải thiện mạnh mẽ của môi trường kinh doanh. Đồng thời, mở rộng đầu tư và thương mại cho doanh nghiệp Việt Nam, tác động tích cực đến hoạt động xuất nhập khẩu trong nước. 

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế 11 tháng đầu năm 2019 đạt 105,16 tỷ USD, tăng 7,97% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu có thuế đạt 5,8 tỷ USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu có thuế đạt 99,36 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Mức tăng mạnh như trên nhờ tăng thu từ một số nhóm hàng nhập khẩu chính như dầu thô, ô tô nguyên chiếc. Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm 2019, số lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu đạt 135,23 nghìn chiếc, trị giá đạt 2,91 tỷ USD, tăng 100,4% về lượng và tăng 97,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; số thuế phải thu từ mặt hàng này đạt 38.202 tỷ đồng, tăng 19.323 tỷ đồng, tương đương tăng 102,4% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế 11 tháng đầu năm 2019 đạt 105,16 tỷ USD, tăng 7,97% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu có thuế đạt 5,8 tỷ USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu có thuế đạt 99,36 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Mặt hàng dầu thô nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm 2019 đạt 7,07 triệu tấn, trị giá đạt 3,33 tỷ USD, tăng 58% về lượng và tăng 38% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, số thuế phải thu từ mặt hàng này đạt 7.877 tỷ đồng, tăng 2.290 tỷ đồng, tương đương tăng 41% so với cùng kỳ năm trước. Số thu từ 2 mặt hàng này trong 11 tháng đầu năm đạt 46.080 tỷ đồng, tăng 21.614 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018.

Ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu thuộc Tổng cục Hải quan cho biết, nhập khẩu ô tô tăng là do trước đó ô tô nhập khẩu bị hạn chế do vướng Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Sau đó, nhờ các giải pháp gỡ vướng của Chính phủ, việc nhập khẩu ô tô tăng nhanh chóng. Về nhập khẩu xăng dầu, do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn có những giai đoạn bảo dưỡng, hiệu chỉnh nên lượng nhập khẩu xăng dầu tăng mạnh để bù đắp.

Cũng theo ông Tưởng, bên cạnh những yếu tố khách quan nêu trên thì không thể không kể đến nguyên nhân chủ quan là những nỗ lực của ngành hải quan trong việc phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách năm 2019.

Đáng chú ý, để góp phần tăng thu ngân sách, giảm tình trạng nợ đọng thuế, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết về các giải pháp thu đòi nợ thuế, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu hồi nợ được giao.

Đồng thời, cơ quan hải quan cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thực hiện các biện pháp cưỡng chế thuế để việc thu hồi nợ thuế được kịp thời, hiệu quả. Kết quả thu hồi và xử lý nợ thuế đến 30/11/2019 đạt 992 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện, Tổng cục Hải quan đã  thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác với 42 ngân hàng thương mại, trong đó có 30 ngân hàng thương mại đã triển khai nộp thuế điện tử và thông quan 24/7. Đến cuối năm 2019 Tổng cục Hải quan đã triển khai Chương trình doanh nghiệp nhờ thu. Như vậy, doanh nghiệp có thể áp dụng ba phương thức nộp thuế xuất nhập khẩu: thanh toán trực tiếp tại ngân hàng, nộp thuế điện tử 24/7, tham gia Chương trình doanh nghiệp nhờ thu. Qua đó, tỷ lệ doanh nghiệp xuất nhập khẩu nộp thuế điện tử qua ngân hàng đạt khoảng 96%/tổng thu của ngành hải quan.

Chuyên đề