Vì sao ngân hàng Việt vẫn dè dặt chuyển đổi số?

(BĐT) - Bước tiến công nghệ đã tạo nên những đột phá lớn trong lĩnh vực ngân hàng thế giới. Song tại Việt Nam, các ngân hàng thương mại vẫn chưa mạnh dạn thực hiện chuyển đổi số bởi những thách thức từ cả nội tại và môi trường pháp lý - kinh doanh.
Chỉ có chưa đến 40% số người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản tại ngân hàng, đây là một trở ngại đối với phổ cập số hóa dịch vụ ngân hàng. Ảnh: Quang Tuấn
Chỉ có chưa đến 40% số người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản tại ngân hàng, đây là một trở ngại đối với phổ cập số hóa dịch vụ ngân hàng. Ảnh: Quang Tuấn

Những rào cản không dễ vượt qua

Cách đây gần 4 năm, tập đoàn công nghệ của Trung Quốc Tencent đã mở ngân hàng ảo hoạt động hoàn toàn trực tuyến. Ấn Độ cũng đã bắt nhịp rất nhanh với quá trình này bằng việc thành lập Công ty Thanh toán quốc gia (NPCI), cung cấp mã số định danh công dân (Aadhaar).

Tại Việt Nam, số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tính đến tháng 4 năm nay cho thấy: mới có 59% các ngân hàng Việt Nam bước đầu triển khai ngân hàng số trong thực tế; 35% các ngân hàng đã và đang triển khai xây dựng chiến lược chuyển đổi số; 6% ngân hàng hiện chưa tính đến việc xây dựng một chiến lược chuyển đổi số tổng thể.

Đánh giá về quá trình chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc NHNN cho biết, sự dè dặt này của các ngân hàng có cả nguyên nhân nội tại và môi trường pháp lý - kinh doanh. Theo ông Dũng, vẫn chưa đủ khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi, thích ứng với bối cảnh số hóa trong lĩnh vực ngân hàng. Đáng chú ý, rủi ro an ninh mạng phát sinh từ các hành vi gian lận, lừa đảo khách hàng, tấn công mạng cũng khiến quá trình này đòi hỏi thận trọng hơn.

Từ nội tại ngân hàng, việc tốn nhiều chi phí đầu tư và thời gian chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình số là một trở ngại đáng kể cùng với sự hạn chế về mức độ sẵn sàng hợp tác của đối tác.

Đồng tình với nhận định trên, bà Nguyễn Thị Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết, ngân hàng này cũng gặp những thách thức như vậy khi mong muốn chuyển đổi số để cung ứng dịch vụ tốt hơn và tăng tính cạnh tranh.

Về nguồn vốn, việc số hóa đòi hỏi mức đầu tư không chỉ một, hai triệu USD mà có thể lên đến hàng chục, hàng trăm triệu USD. “Đây là nguồn lực cực kỳ lớn nhưng không mang lại kết quả ngay nên không dễ thuyết phục các nhà đầu tư và cổ đông”, bà Sơn nói.

Không chỉ khó khăn về nguồn vốn đầu tư cho số hóa, các ngân hàng cũng không dễ dàng trong việc “số hóa” chính nguồn nhân lực của mình. Bà Sơn chia sẻ: “Trong nội bộ ngân hàng, có người muốn thay đổi và bắt kịp nhanh với công nghệ, nhưng có người vẫn muốn giữ mô hình truyền thống. Ai cũng có lý lẽ của mình mà không dễ thuyết phục lẫn nhau”.

Về mặt pháp lý, lãnh đạo LienVietPostBank cho biết, nhiều quy định pháp lý của quá trình này đều đang trong quá trình hoàn thiện. Do đó, suy nghĩ logic thì nghĩ là có thể triển khai được, song thực tế lại vẫn phải chờ hướng dẫn cụ thể.

Một trở ngại đáng kể khác là khách hàng. Theo số liệu từ NHNN, tại Việt Nam hiện mới chỉ có hơn 39% số người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng. Khách hàng luôn muốn có trải nghiệm dịch vụ ngân hàng nhanh và tiện nhất, nhưng nếu xảy ra vấn đề về bảo mật lại phàn nàn và chỉ trích ngân hàng.

Theo bà Sơn, đây là một trong những trở ngại đối với việc phổ cập số hóa dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam. “Vì thế, nhiều khi cứ nghĩ là có thể đi rất nhanh trong quá trình số hóa ngân hàng nhưng không thể làm được vì phải cân nhắc, xem xét nhiều rủi ro và thách thức như vậy”, bà Sơn nói. 

Chọn hướng đi phù hợp

Ngân hàng số (digital banking) cho phép giao dịch ngân hàng theo hướng nâng cao trải nghiệm, gồm cả trải nghiệm khách hàng và trải nghiệm cung cấp dịch vụ. Nhờ đó, khách hàng có thể tự giao dịch theo thời gian thực, trên nhiều loại thiết bị khác nhau. Ngân hàng có khả năng cung ứng dịch vụ theo yêu cầu nhờ xử lý tự động xuyên suốt.
Trước những trở ngại như trên, NHNN và các ngân hàng thương mại có dè dặt hơn song không dừng bước. Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc NHNN đề xuất, các ngân hàng thương mại nên triển khai chiến lược chuyển đổi số theo từng giai đoạn, đồng thời chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ, nâng cấp giải pháp quản trị rủi ro, đảm bảo an ninh, bảo mật.

Trước câu hỏi về lựa chọn lĩnh vực dịch vụ ngân hàng cần chuyển đổi số đầu tiên, ông Dũng nêu quan điểm cá nhân: “Nếu làm ngân hàng thương mại, tôi sẽ chọn chuyển đổi số trước hết trong lĩnh vực thanh toán, bởi suy cho cùng, tất cả mọi hoạt động mua sắm hàng hóa, dịch vụ đều liên quan đến khâu cuối cùng là thanh toán. Nếu không làm được khâu thanh toán thì khách hàng cũng không đến với chúng ta, mà việc số hóa trước hết là vì nhu cầu của khách hàng”.

Ở khía cạnh khác, việc số hóa của hệ thống ngân hàng không thể thiếu vai trò của cơ quan chức năng, do đó, ông Dũng nêu một số đề xuất chính sách. Đó là, Chính phủ nên chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cho phép chia sẻ, kết nối mở với các ngành dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm; đồng thời, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan về bảo mật dữ liệu người dùng nhằm tạo dựng môi trường giao dịch số an toàn, tin cậy.

NHNN cần hoàn thiện khung khổ pháp lý, quản lý phù hợp với xu hướng phát triển ngân hàng số, xây dựng khuôn khổ pháp lý thử nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, hoàn thiện các hệ thống hạ tầng quan trọng hỗ trợ giao dịch thương mại, tài chính trong kỷ nguyên số.

Chuyên đề