Trái chiều chỉ số chứng khoán và tăng trưởng kinh tế

(BĐT) - Tại hội thảo “VN - Index cao nhất 9 năm - Chứng khoán Việt Nam trước những kỳ vọng mới”, nhiều chuyên gia tài chính và chứng khoán đã tỏ ra lạc quan về triển vọng thị trường trong nửa chặng đường cuối năm. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán (TTCK) “phong biểu vũ” của nền kinh tế tăng nhanh trong khi tăng trưởng kinh tế lại thấp nhất trong các năm gần đây có thể là dấu hiệu cảnh báo cho các nhà đầu tư.
Hội thảo “VN - Index cao nhất 9 năm - Chứng khoán Việt Nam trước những kỳ vọng mới. Ảnh: Hoàng Việt
Hội thảo “VN - Index cao nhất 9 năm - Chứng khoán Việt Nam trước những kỳ vọng mới. Ảnh: Hoàng Việt

Hồ hởi nhờ lãi suất, dòng tiền ngoại, và giá rẻ

Sau một năm 2016 tăng trưởng mạnh mẽ, nửa chặng đường 2017, TTCK vẫn tiếp đà tăng trưởng  khi chỉ số VN - Index tăng tới 17% từ 700 điểm lên mốc 780 điểm vào đầu tháng 7, và chỉ số HNX - Index tăng hơn 23%. Điều đó cho thấy sự hấp dẫn của thị trường. Tuy nhiên, 2 tuần gần đây thị trường đã mất gần 21 điểm. Các chuyên gia chứng khoán cho rằng tình trạng này là do thị trường đang điều chỉnh ngắn hạn sau một thời gian tăng trưởng mạnh và tỏ ra lạc quan trong thời gian tới do 3 yếu tố chính

Thứ nhất, điều khiến cho thị trường chứng khoán khởi sắc trong năm 2016 và nửa chặng đường 2017 là từ lãi suất thấp. Khi đó nhà đầu tư phải đi tìm kênh đầu tư hấp dẫn hơn và chứng khoán là điểm đến của các nhà đầu tư. Hiện tại vốn hóa của thị trường trong nước so với tổng tiết kiệm chỉ đạt mức 30%. Trong khi tại các thị trường khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia cao hơn rất nhiều. Vì vậy, lãi suất thấp kéo dòng tiền gửi từ ngân hàng dịch chuyển sang các kênh đầu tư sinh lời cao hơn. Khi thị trường chứng khoán nóng dần thì dòng tiền này sẽ vào mạnh hơn.

Thứ hai, khi quan sát dòng tiền ngoại đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thấy dòng tiền này đang đổ vào các doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường. Dẫn chứng cho điều này, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán SSI cho biết, 6 tháng đầu năm đã có 9.000 tỷ đồng vốn ngoại đổ vào thị trường, cao nhất trong 5 năm, nhưng hơn 4.000 tỷ đồng đã được rót vào các công ty lớn như Vinamilk, Sabeco,... Vì vậy, có thể nói dòng tiền ngoại đổ vào Việt Nam là dòng tiền thông minh, chứ không phải đầu cơ.

Bố sung cho luận điểm trên, ông Trần Văn Mẫn, Giám đốc đầu tư, Quản lý quỹ mở VEOF, VinaCapita cho biết thêm thị trường Việt Nam là thị trường rủi ro. Do đó, khi đã quyết định đầu tư vào Việt Nam thì niềm tin của nhà đầu tư ngoại là rất lớn.

Cuối cùng, một yếu tố khác tạo nên sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán trong thời gian tiếp theo là giá rẻ. Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc môi giới TP.HCM, CTCP chứng khoán KIS định giá cổ phiếu Việt Nam hiện giá khá rẻ, và hợp lý so với khu vực. Dẫn chứng cho nhận định này, ông cho biết chỉ số P/E của chứng khoán Việt Nam rơi vào khoảng từ 15 đến 17 lần. trong khi đó chỉ số này ở các nước trong cùng khu vực là trên 20, 30 lần. chỉ số P/B cũng đang ở mức hợp lý hơn 1 lần, ngoại trừ một số doanh nghiệp có thị giá tăng quá cao do một số yếu tố.

Thận trọng

Lạc quan về thị trường chứng khoán là như vậy, nhưng ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, lưu ý các nhà đầu tư về bài học khủng hoảng kinh tế năm 2008. Tại thời điểm đó thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm rất mạnh, nhưng sụp đổ cũng rất chóng vánh. “Chúng ta nên nhìn nhận thực chất nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng chậm, chưa ổn định, tăng trưởng GDP vẫn lình xình….”, ông Hiếu nói, khuyến nghị nhà đầu tư chứng khoán nên hết sức thận trọng, đừng quá lạc quan trước sự tăng trưởng.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh chúng ta đang đứng trước một nghịch lý. Đó là chứng khoán thì cao nhất trong 9 năm nhưng tăng trưởng kinh tế thì thấp nhất trong vài năm gần đây. Trong khi đó thông thường khi kinh tế tăng trưởng thì chứng khoán tăng. Vậy thì đâu là ảo, cái nào ảo?, đây là câu hỏi mà ông Phong đặt ra.

Chuyên đề