Trách nhiệm của ngân hàng trước nỗi lo an toàn tiền gửi

(BĐT) - Thời gian gần đây, khách VIP gửi tiền tại các ngân hàng liên tục bị các nhân viên cấu kết với nhau làm giả mạo chứng từ, chiếm đoạt tiền tỷ khiến nhiều người tỏ ra phân vân trong việc có nên tiếp tục đặt niềm tin vào khả năng bảo mật, bảo vệ tài sản khách hàng của ngân hàng hay không?
Cuộc cách mạng công nghệ mang đến rất nhiều thay đổi trong hệ thống ngành ngân hàng. Ảnh: Lê Tiên
Cuộc cách mạng công nghệ mang đến rất nhiều thay đổi trong hệ thống ngành ngân hàng. Ảnh: Lê Tiên

Báo Đấu thầu đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, việc “số hóa” các hoạt động có thể giúp ngân hàng giảm thiểu chi phí, cải thiện chất lượng và giảm thời gian cung cấp dịch vụ tới khách hàng. Vậy công nghệ đang làm thay đổi ngành dịch vụ tài chính, trong đó có các ngân hàng như thế nào?

Cuộc cách mạng công nghệ mang đến rất nhiều thay đổi trong hệ thống ngành ngân hàng. Digital banking đòi hỏi các ngân hàng phải đầu tư rất nhiều ứng dụng công nghệ mới để có thể cung cấp những dịch vụ tiện ích hơn, nhanh chóng hơn và giảm chi phí.

Đơn cử như ứng dụng QR Code hỗ trợ khách hàng mua hàng với smart phone. Khách hàng có thể sử dụng QR code để có thể lấy thông tin về những mặt hàng họ cần mua.

Bên cạnh đó, vai trò của những công ty công nghệ, công ty fintech đang phát triển rất mạnh. Những công ty công nghệ thông tin, những hãng fintech nhiều khi trở thành cầu nối giữa ngân hàng và người dân để cung cấp các dịch vụ về tài chính. Có thể nói, cuộc cách mạng công nghệ đã mang đến những thay đổi rất lớn trong ngành ngân hàng và ngành tài chính.

Trách nhiệm của ngân hàng trước nỗi lo an toàn tiền gửi ảnh 1
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Ông có thể chia sẻ về cuộc đua đầu tư, phát triển công nghệ giữa các ngân hàng nội địa hiện nay?

Theo chiều hướng hiện nay, các ngân hàng đang phải đầu tư rất nhiều vào công nghệ thông tin. Bởi những công nghệ thông tin, từ phần cứng đến phần mềm cũng đã thay đổi rất nhiều trong khoảng 20 năm vừa qua.

Tuy nhiên, rất nhiều ngân hàng đang sử dụng cả phần cứng và phần mềm ra đời cách đây 10 năm trước. Vậy nên, hiện tại có một số ngân hàng liên tục nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin của mình nhưng còn một số ngân hàng vẫn sử dụng một số hạ tầng cơ sở, ứng dụng công nghệ thông tin lỗi thời.

Công nghệ càng hiện đại, các ngân hàng càng phải đầu tư rất nhiều và đi vào một cuộc chạy đua mà trong đó ngân hàng nào sử dụng công nghệ thông tin để cung cấp những dịch vụ ngân hàng tiện ích, giảm bớt chi phí và nhanh chóng sẽ được thị trường đón nhận.

Trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện tại, có một vài ngân hàng đầu tư rất nhiều và họ sử dụng công nghệ thông tin rất hiện đại để cung cấp dịch vụ cho khách hàng. 

Thời gian qua, ngành ngân hàng phải chứng kiến một số chuyện không vui như việc tiền gửi của một số khách hàng tại một số ngân hàng "không cánh mà bay". Vậy người dân có nên tiếp tục đặt niềm tin vào khả năng bảo mật, bảo vệ tài sản khách hàng của ngân hàng không?

Khi chúng ta gửi tiền vào ngân hàng nghĩa là chúng ta trao quyền tài sản của chúng ta cho ngân hàng. Ngân hàng cho đến thời điểm này vẫn là chỗ bảo đảm tài sản của chúng ta tốt nhất trong tất cả các kênh.

Ngay cả nếu tôi có tiền bỏ vào két sắt trong nhà và khóa lại chưa chắc đã an toàn bằng ngân hàng vì có thể có cháy nổ, cướp bóc xảy ra. Khi gửi tiền ngân hàng, ngân hàng bỏ tiền vào trong két có tất cả những kiểm soát, biện pháp an ninh cho tài sản của tôi, thành ra nói chung tiền gửi vào ngân hàng vẫn là kênh an toàn nhất.

Nhưng không có nghĩa chúng ta tin tưởng ngân hàng 100%. Thời gian ở Mỹ, tôi từng được nghe một câu nói: “Trust is good but control is better”, có nghĩa là tin tưởng là tốt nhưng kiểm soát còn tốt hơn. Từ đây, tôi khuyến cáo người gửi tiền nên kiểm tra tài khoản của mình thường xuyên bởi luôn có những chuyện xảy ra mà không nằm trong tầm kiểm soát của ngân hàng, chẳng hạn có những tin tặc mở tài khoản lấy tiền của khách hàng, ngay cả ngân hàng cũng không biết. Khách hàng không thể nào giao tất cả tài sản một cách mù quáng cho ngân hàng được, cần phải thường xuyên kiểm soát ít nhất một tháng một lần hoặc là 3 tháng một lần mà nếu không thì 6 tháng một lần. 

Phục vụ tại gia là một trong những nguyên nhân khiến người của Eximbank dễ dàng thực hiện hành vi lấy cắp tiền. Theo ông, Ngân hàng Nhà nước nên quy định vấn đề nhân viên ngân hàng có được phép phục vụ tại gia?

Ngân hàng cần phải xem lại quy trình phục vụ khách hàng. Việc đưa cán bộ nhân viên đến phục vụ khách hàng VIP tại nhà, theo tôi là không nên. Một số  ngân hàng có những quy định bằng văn bản nhưng một số ngân hàng khác có những quy định bất thành văn cho cán bộ của mình đến trao tiền cho khách hàng tại tư gia, cũng như nhận tiền, sau đó đem tiền về ngân hàng.

Quy định này tạo ra hai rủi ro lớn về không gian và thời gian, xảy ra khi nhân viên ngân hàng mang tiền của khách hàng về hệ thống ngân hàng. Rủi ro từ không gian có thể đến từ tai nạn, cướp, khủng bổ, cháy nổ... và khi đem tiền từ tư gia về kho quỹ mà gặp các trường hợp tai nạn, cướp, khủng bổ, cháy nổ... thì không có bảo hiểm nào đền cho điều này cả. Rủi ro về thời gian có thể đến như trường hợp khách hàng yêu cầu đến vào 6 giờ chiều, thời điểm này kho quỹ đã đóng cửa, vậy số tiền này sẽ để ở đâu và rủi ro có thể đến từ đây.

Theo quy định, chỉ khi nào tiền của khách hàng được nhập vào kho của ngân hàng và được hạch toán thì bấy giờ mới xem giao dịch đó được hoàn tất. Lời khuyên là với bất cứ tư cách nào, giao dịch về tiền gửi và tiền mặt nên đến tận địa điểm giao dịch của ngân hàng để thực hiện trong giờ làm việc của ngân hàng. 

Bên cạnh những thách thức trong quá trình đổi mới về công nghệ, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, ngành ngân hàng phải thay đổi như thế nào để bắt kịp với xu thế công nghệ trên thế giới và lấy lại niềm tin từ khách hàng?

Thời gian vừa rồi, xuất hiện nhiều thông tin tin khách hàng mất hàng tỷ đồng tiền gửi tại một số ngân hàng gây chấn động dư luận và đặc biệt là làm giảm lòng tin của khách hàng với hệ thống ngân hàng. Nhưng tôi xin khẳng định lại, ngân hàng vẫn là nơi gửi tiền mà người dân có thể tin tưởng nhất. Hệ thống ngân hàng được pháp luật bảo vệ và hoạt động rất chặt chẽ. Đồng thời, chịu giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

Hệ thống an toàn của ngân hàng, từ công nghệ thông tin cho đến tất cả hạ tầng cơ sở để lưu giữ tài sản của khách hàng đều có độ an toàn hơn nhiều so với những phương tiện khác. Ngay cả việc để tiền trong két sắt chưa chắc đã bảo đảm bằng gửi ngân hàng.

Các ngân hàng hiện tại đang đầu tư rất nhiều vào công nghệ bảo mật để tăng tính bảo mật của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, vấn đề bảo mật có 2 khía cạnh là vấn đề công nghệ và con người. Vấn đề công nghệ thì các ngân hàng đang đầu tư nhưng vấn đề con người là việc các ngân hàng cần phải cải tiến.

Cần có những quy trình nội bộ cũng như đào tạo nguồn nhân lực để tránh vấn đề vì lòng tham dẫn đến việc cán bộ nhân viên cướp tiền của người dân và ngân hàng. Vấn đề bảo mật thông tin cũng như công nghệ thông tin chỉ là một phần trong việc bảo vệ tài sản của khách hàng. Phần còn lại là nhân lực vẫn còn nhiều thiếu sót.

Xin cảm ơn ông!

Chuyên đề