Tín dụng tiêu dùng chuyển từ “đen” sang “trắng”

(BĐT) - Cùng với đà phát triển mạnh mẽ của tín dụng tiêu dùng với những lợi ích tốt đẹp mà các khoản vay này mang lại, các tổ chức tín dụng cũng đẩy mạnh mảng cho vay tín chấp đến những cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, vốn là “sân chơi” của tín dụng “đen” trong nhiều năm qua.
Các khoản vay tín chấp đã giúp nhiều cá nhân, hộ kinh doanh cá thể đến gần hơn với giấc mơ khởi nghiệp của mình
Các khoản vay tín chấp đã giúp nhiều cá nhân, hộ kinh doanh cá thể đến gần hơn với giấc mơ khởi nghiệp của mình

Vay vốn dễ hơn

Đến với nghề gỗ một cách tình cờ, người thợ mộc học việc năm nào nay đã khởi nghiệp thành công nhờ vào số vốn mạnh dạn vay ngân hàng. Đó là “giấc mơ có thực” của anh Luận, chủ xưởng gỗ Đại Luân, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Hay trường hợp chú Cường, người nông dân ở miền Tây khởi nghiệp bằng tiệm may tại TP.HCM với một số vốn từ Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Cách đây vài năm, các ngân hàng còn ngại ngần cho cá nhân, hộ kinh doanh cá thể vay vì đặc thù các khoản vay tín chấp này không có tài sản bảo đảm, nhiều rủi ro. Còn ngày nay, những chủ hộ kinh doanh như anh Luận, chú Cường đã có “đường” tiếp cận được với các tổ chức tín dụng chính thức.

Tư duy cho vay - đi vay ngày nay đã khác. Nếu có một kế hoạch rõ ràng, sẽ có không ít tổ chức tín dụng mạnh dạn cho các hộ kinh doanh cá thể hay cá nhân vay vốn để làm ăn.

Sau những thành công ban đầu với thương hiệu cho vay tiêu dùng FE Credit, VPBank hiện là một trong số ít ngân hàng đẩy mạnh giải ngân các khoản vay nhỏ lẻ, tín chấp hoặc thế chấp, phục vụ cho các đối tượng cụ thể cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa hay các hộ kinh doanh cá thể. Tỷ trọng cho vay cá nhân của VPBank thuộc vào nhóm cao nhất thị trường, chiếm 71% tổng thu nhập hoạt động trong năm 2017. 

Giảm tín dụng “đen”

Một thống kê hiếm hoi vào năm 2013 từ các chuyên gia cho biết, quy mô thị trường tín dụng “đen” chiếm khoảng 30% GDP, tương đương 50 tỷ USD. Còn theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới, năm 2014 tại Việt Nam, tỷ lệ người trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên) có ít nhất một khoản vay trong vòng 1 năm trở lại là 46,8%. Tuy nhiên, tỷ lệ người có khoản vay tại các tổ chức tài chính chính thức chỉ ở mức 18,4%. Rõ ràng, nếu không vay được ở thị trường chính thức, họ sẽ phải xoay sở ở phía còn lại.

Ít ai nghĩ rằng các ngân hàng sẽ chấp nhận mở hầu bao cho vay “nóng”, vốn là lãnh địa của tín dụng “đen” trong nhiều năm qua. Vậy mà nay các ngân hàng đã gửi thông điệp đến những người có nhu cầu về vốn là hãy tự tin tìm đến sân chơi mới. Nhiều ngân hàng tập trung vào phân khúc tiểu thương, các doanh nghiệp nhỏ và vừa và cả hộ gia đình với đặc điểm chung là không có tài sản bảo đảm. Thực tế, VPBank không chỉ rót tiền cho vay, mà còn mạnh tay đầu tư phát triển cả những sản phẩm dành riêng cho nhóm đối tượng này. Chẳng hạn như sản phẩm quản lý dòng tiền hay thẻ tín dụng VPBiz dành cho doanh nghiệp.

Với quy mô lợi nhuận năm 2017 lên đến hơn 8.130 tỷ đồng (chỉ xếp sau nhóm 3 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước lớn), VPBank đang có nhiều lợi thế trong việc phát triển mảng cho vay nhiều rủi ro. Gần một nửa lợi nhuận của ngân hàng đóng góp từ thương hiệu cho vay tiêu dùng FE Credit, hiện chiếm hơn một nửa thị phần. Nếu như FE Credit đã giúp VPBank lột xác từ một ngân hàng nhỏ lên Top 5 trong giai đoạn 2012 - 2017, thì lãnh đạo Ngân hàng đang kỳ vọng chiến lược mở rộng đối tượng cho vay tín chấp, các khoản vay tiêu dùng và kinh doanh nhỏ lẻ sẽ giúp Ngân hàng tạo đà tăng trưởng mới trong tương lai.

Trong khi các ngân hàng đã sẵn sàng với cuộc chơi mới, những quy định chính thức vào đầu năm ngoái của cơ quan quản lý sẽ giúp thị trường này phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Chẳng hạn như làm rõ khái niệm cho vay tiêu dùng, đơn giản hóa các điều kiện cho vay, quy định cụ thể về phương thức cho vay, làm rõ vấn đề lãi, phí và có khung lãi suất chung, điều gây ra nhiều tranh cãi trước đây trên thị trường tín dụng tiêu dùng.

Chuyên đề