Tiếp tục “nắn” dòng chảy tín dụng “đúng” và “trúng”

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến 25/3/2019, tín dụng tăng 2,28%, tương đương mức tăng cùng kỳ năm 2018 (tăng 2,78%). 
Tiếp tục “nắn” dòng chảy tín dụng “đúng” và “trúng”

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN thông tin: “Nguồn vốn ngân hàng đổ vào các lĩnh vực ưu tiên đều có mức tăng trưởng cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung của cả nền kinh tế, phản ánh những giải pháp của NHNN vừa 'đúng' và 'trúng' với chủ trương của Chính phủ”.

Minh hoạ cho thông tin của Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng, ông Trần Văn Tần, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cung cấp những số liệu đáng chú ý: Tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên tăng khá, trong đó tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 3,44% so với cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng 3,14% tổng dư nợ đối với nền kinh tế (năm 2018 tăng 14,58%, tỷ trọng 3,09%); tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 5,4%, chiếm tỷ trọng 3,12% (năm 2018 giảm 1,42%, tỷ trọng 3,01%); tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 2,79%, chiếm tỷ trọng 0,36% (năm 2018 giảm 2,2%, tỷ trọng 0,36%); tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 2,23%, chiếm tỷ trọng 25% (năm 2018 tăng 21,4%, tỷ trọng 24,8%).

“Riêng đối với lĩnh vực lúa gạo, các tổ chức tín dụng (TCTD) tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long đã thực hiện giải ngân khoảng 10.719 tỷ đồng cho các tổ chức, cá nhân để thu mua trên 1,7 triệu tấn lúa gạo vụ Đông Xuân 2019”, ông Tần nói.

Bên cạnh đó, việc NHNN chủ động triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng sản xuất và tiêu dùng, cũng như triển khai nhiều giải pháp căn cơ, quyết liệt thời gian qua cũng là một trong những định hướng trong năm 2019 nhằm góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

“NHNN đã yêu cầu các TCTD rà soát các thủ tục hành chính và đẩy mạnh tuyên truyền về các sản phẩm, dịch vụ của các TCTD, công ty tài chính để bà con có nhu cầu vay chính đáng có thể tiếp cận sản phẩm, dịch vụ phù hợp và đúng pháp luật”, bà Hồng nhấn mạnh.

Theo quan điểm của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), với việc giảm tốc độ tăng trưởng GDP và kiểm soát chặt chẽ hơn tín dụng trong các lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản, tăng trưởng tín dụng trong năm 2019 sẽ được duy trì dưới mức 14%.

Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN đã có chủ trương kiểm soát chặt chẽ điều hành tín dụng. Định hướng tín dụng cả năm 2019 giữ ở mức 14%, tương đương mức tăng trưởng của năm 2018 (13,98%) sau khi tỷ lệ tín dụng/GDP tăng cao trong vài năm trở lại đây (năm 2016, tỷ lệ này là 122%, năm 2017 và 2018 cùng là 130%).

Bình luận về mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2019, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, điều quan trọng không phải là con số bao nhiêu, mà là chất lượng và hiệu quả tín dụng. Theo ông Thành, xét về dài hạn, ổn định tăng trưởng tín dụng cũng là một trong những tiền đề để phát triển thị trường tài chính bền vững, chất lượng hơn.

“Theo tôi, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay là vừa phải. Mặc dù kiểm soát lạm phát ở mức thấp, ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu, song cũng không thể bỏ qua mục tiêu tăng trưởng vì còn liên quan tới việc làm, an sinh xã hội… Vì vậy, tăng trưởng tín dụng, cung tiền phải được duy trì ở mức hợp lý”, ông Thành nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thành, do mức độ bất định của kinh tế toàn cầu trong năm nay khá cao nên đòi hỏi các chính sách kinh tế nói chung, chính sách tiền tệ nói riêng, phải được điều hành hết sức linh hoạt, bám sát diễn biến kinh tế trong nước và thế giới.

Về vấn đề này, ông Tần cho biết, NHNN sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng trọng tâm: Kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đi đôi với nâng cao chất lượng, mở rộng tín dụng tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu Chính phủ đề ra.

“Tiếp tục chỉ đạo các TCTD triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các ngành, lĩnh vực như nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các chương trình mục tiêu quốc gia và tín dụng xanh, chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội…; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...”, ông Tần nói.

Chuyên đề