Tiếp tục hạ lãi suất bằng cách nào?

(BĐT) - Việc giảm lãi suất cho vay được đánh giá có tác động rất tích cực tới tăng trưởng kinh tế và phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề này có thể tạo áp lực cho các ngân hàng thương mại trước vấn đề nguồn vốn. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Bên cạnh đó, việc tiếp tục hạ thêm lãi suất ở mức 0,5 - 1% như Chính phủ đặt ra cũng khá thách thức trong bối cảnh hiện nay.

Chính phủ quyết hạ lãi suất thêm 0,5 - 1%

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 30/6, tín dụng với nền kinh tế đã tăng 9,06%, cao hơn cùng kỳ năm 2015 và 2016. Tín dụng năm 2017 có thể tăng như chỉ đạo của Chính phủ là từ 18 - 20%.

Với mức tín dụng tăng vọt trong 6 tháng đầu năm 2017 cùng với động thái giảm nhiều loại lãi suất của NHNN ngày 7/7 vừa qua được đánh giá sẽ càng hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu tăng trưởng năm nay. 

Tại buổi làm việc mới đây với NHNN, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cho biết “nhiệm vụ số 1” vẫn là tăng trưởng tín dụng và hạ lãi suất. Nghị quyết Phiên họp Chính phủ đã giao NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất từ 0,5 - 1%.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, GS. TSKH. Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, việc hạ lãi suất là cần thiết bởi lãi suất Việt Nam đang cao so với nhiều nước. Nếu cứ tiếp tục duy trì ở mức như hiện nay thì các doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn cũng như đảm bảo được tính cạnh tranh.

Ông Võ Đại Lược nhấn mạnh, lãi suất chính là một trong những nút thắt lớn nhất của nền kinh tế. Nếu điều chỉnh chính sách hạ được lãi suất sẽ có tác động rất lớn và lâu dài đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của ông Lược, việc hạ được lãi suất trong bối cảnh hiện nay là rất khó.

“Khoảng cách lãi suất huy động và cho vay hiện nay khá hẹp, chỉ cách khoảng 2%. Trong khi đó, nhiều nước dao động ở mức 3 - 5%. Nếu hạ xuống nữa thì rất khó cho hệ thống ngân hàng, đặc biệt đối với các ngân hàng thương mại. Bởi việc hạ lãi suất phải được căn cứ vào tình hình kinh doanh, điều kiện cụ thể của từng ngân hàng”, ông Lược nói.

Nếu muốn hạ lãi suất cho vay, theo ông Lược, phải hạ được lãi suất huy động. So với Mỹ, châu Âu và nhiều nước khác, lãi suất huy động ở Việt Nam khá cao. Tuy nhiên, nếu hạ lãi suất, ông Lược cho rằng, việc huy động vốn sẽ rất khó khăn. Dòng tiền sẽ “chảy” sang các kênh khác như mua vàng, USD, đầu tư bất động sản… thay vì gửi tiết kiệm. Nếu việc huy động vốn gặp khó khăn thì lại không thể duy trì lãi suất ở mức thấp được. 

3 nút thắt khiến khó hạ lãi suất

Ông Võ Đại Lược cho biết, có 3 nút thắt khiến ngân hàng gặp khó khăn trong việc hạ lãi suất. Thứ nhất đó là nợ xấu. Muốn hạ lãi suất thì phải xử lý được nợ xấu. Tuy nhiên, tình hình nợ xấu hiện nay vẫn khá phức tạp, chưa được xử lý thực chất. Thứ hai, đó là tình trạng sở hữu chéo vẫn chưa được xử lý triệt để. Thứ ba, đó là vốn tự có (vốn chủ sở hữu) của các ngân hàng ít.

“Vốn chủ sở hữu ít, cho nên hệ thống ngân hàng nói về sức khoẻ thì rất yếu. Đây chính là nút thắt trong việc việc xử lý lãi suất hiện nay. Nếu ngân hàng nhiều vốn thì việc hạ lãi suất tiết kiệm sẽ không tác động lớn. Còn nếu “ốm yếu”, phụ thuộc vào việc huy động tiền gửi thì rất khó trong việc hạ lãi suất đầu vào”, ông Lược nhận định.

Bên cạnh việc phấn đấu hạ lãi suất, GS. TSKH. Võ Đại Lược cho rằng, cần tính toán việc kiểm soát lạm phát bằng cách giãn lộ trình tăng giá các mặt hàng độc quyền nhà nước. “Việc NHNN đẩy mạnh mua USD là chủ trương đúng nhưng cần có biện pháp để đảm bảo khối lượng thanh toán. Làm sao giữ mức lạm phát 4 - 5% là hợp lý”, ông Lược nêu quan điểm.

TS. Đinh Tuấn Minh, Trưởng Nhóm nghiên cứu kinh tế Market Intello cho biết, mặc dù lạm phát có dấu hiệu giảm, nhưng mặt bằng lãi suất chỉ giảm nhẹ trong quý II/2017. Điều này chủ yếu là vì tốc độ tăng trưởng tín dụng đã đạt ở mức cao (9,06%), cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng huy động (5,89%).

“Chênh lệch tín dụng - huy động đã khiến một số ngân hàng thương mại nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài trong cuối quý II nhằm cân đối nguồn vốn. Muốn huy động được vốn thì phải duy trì lãi suất huy động ở mức ổn định và cao mới thu hút được tiền gửi”, ông Minh nói và cho rằng, nếu nhu cầu tín dụng tiếp tục tăng lên thì việc giảm lãi suất là rất khó. Bởi như vậy, các ngân hàng phải đứng trước áp lực rất lớn về nguồn vốn huy động trong khi cầu về tín dụng lại tăng cao.

Cũng theo ông Minh, để hạ lãi suất, các ngân hàng phải chấp nhận thu hẹp khoảng cách giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các ngân hàng sẽ phải giảm được gánh nặng chi phí, đặc biệt là chi phí cho các khoản nợ xấu. Phải xử lý được nợ xấu thì mới có khả năng hạ được lãi suất cho vay.

Ông Minh cũng cho biết thêm, việc lạm phát giảm liên tục trong 6 tháng đầu năm cũng là nhân tố giúp lãi suất thị trường có khả năng giảm. Tuy nhiên, trong bối cảnh nợ xấu trong nền kinh tế còn nhiều, việc hạ lãi suất, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cũng có thể sẽ gây ra những rủi ro dài hạn nếu như nền kinh tế trong nước gặp phải những cú sốc từ bên ngoài. Liên quan đến vấn đề lãi suất, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, lãi suất cần được giữ ổn định, bởi lạm phát và thanh khoản ngân hàng đều có dấu hiệu “bấp bênh” từ nay tới cuối năm.

Cũng theo ông Linh, về lạm phát, mặc dù ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm, nhưng trong nửa còn lại của năm 2017 có thể tăng khi vào mùa cao điểm cuối năm. Còn về thanh khoản, những tháng đầu năm, hệ thống ngân hàng được hỗ trợ tốt do lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước cũng như những dòng đầu tư gián tiếp. Tuy nhiên, dòng vốn này có thể khó giữ được lâu khi Chính phủ đang đôn đốc các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Chính vì thế, lãi suất cần giữ ổn định để tăng cường nguồn huy động đầu vào cho hệ thống ngân hàng.   

Chuyên đề