Tích cực dòng vốn FII

(BĐT) - Kinh tế dần hồi phục, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện là điều kiện tích cực để Việt Nam thu hút tốt hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhất là vốn đầu tư gián tiếp (FII). 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Cùng với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dòng vốn FII đã ghi nhận những kết quả hết sức ấn tượng trong năm 2017 và quý I/2018.

Vốn FII tăng mạnh

Về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tháng 4/2018, dự báo dòng vốn FII thông qua các hoạt động đầu tư góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Con số thu hút vốn FII trong quý I/2018 được Cục Đầu tư nước ngoài công bố cách đây chưa lâu đã đạt mức 1,89 tỷ USD, tăng 121,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó có 732 lượt góp vốn mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp, với giá trị vốn góp là 1,34 tỷ USD; 553 lượt góp vốn mua cổ phần mà nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước, nhưng không làm tăng vốn điều lệ, với tổng giá trị vốn góp là 547 triệu USD.

Trước đó, sự gia tăng mạnh mẽ của hình thức đầu tư này đã được ghi nhận qua kết quả ấn tượng về thu hút vốn FII trong năm 2017. Cụ thể, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FII thông qua các hoạt động đầu tư góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài năm 2017 lên tới 6,2 tỷ USD (tăng 45,1% so với năm 2016). Điều này đồng nghĩa với việc đã có gần 140.000 tỷ đồng vốn FII được nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với nhiều biến động, nguồn vốn FII vào các nước đang phát triển đang có xu hướng sụt giảm, thì số liệu về dòng vốn FII vào Việt Nam là tín hiệu tốt cho cả nền kinh tế và thị trường chứng khoán (TTCK).

Theo thống kê, từ cuối năm 2017 đến hết quý I/2018, dòng vốn FII gia nhập TTCK Việt Nam khá mạnh thông qua các quỹ đầu tư ETF và quỹ mở. Chính vì vậy, mức độ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK đã tăng từ mức 10% trong các năm trước lên khoảng 15% vào đầu năm 2018. Trong đó, chỉ riêng trong tháng 1/2018, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 8.000 tỷ đồng, tương đương 35% giá trị mua ròng cả năm 2017 (không tính giá trị mua cổ phần tại Sabeco). 

Lực đỡ cho thị trường chứng khoán

Có thể thấy, ngoài vốn FDI, Việt Nam đang là điểm sáng của khu vực Đông Nam Á về thu hút vốn FII. Dòng vốn FDI và FII diễn biến tích cực cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào triển vọng kinh tế Việt Nam.

Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, FII tăng mạnh vì có các hoạt động góp vốn, mua cổ phần chiến lược của các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài trong các ngân hàng thương mại và việc phát hành trái phiếu thành công trên TTCK của một số doanh nghiệp lớn. “Việc gia tăng dòng vốn FII sẽ làm cho thị trường tài chính, đặc biệt là TTCK, trở nên đồng bộ hơn, cân đối và sôi động hơn, khắc phục được sự thiếu hụt, trầm lắng, thậm chí kém hấp dẫn trước đây của thị trường này”, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định.

Điều đáng nói, theo cơ quan giám sát, FII và hoạt động của các quỹ đầu tư sẽ góp phần minh bạch hóa thị trường tài chính, do việc quản lý, giám sát TTCK của các cơ quan chức năng cũng như yêu cầu công khai tài chính của doanh nghiệp tăng lên.

Thực tế, trong báo cáo của các cơ quan chức năng, các thông tin về FDI thường nhiều hơn FII. Điều này được lý giải là do FDI ổn định hơn, còn FII biến động thường xuyên, vào và ra khá nhanh nên việc quản lý, nắm bắt thông tin khó khăn hơn, nhất là đối với FII đầu tư trên TTCK. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính vì những lý do này mà cơ chế giám sát đối với FII cần phải được tăng cường hơn nữa. Vì nếu thiếu cơ chế kiểm soát và điều tiết hợp lý, TTCK và nền kinh tế sẽ có thể gặp tổn thương khi dòng vốn FII bị rút ra đột ngột.

Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, nguồn vốn FII được dự báo vẫn tiếp tục đổ vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới, tuy nhiên, tính chất sẽ không giống như trước đây. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ chọn lọc và chỉ rót vốn vào những doanh nghiệp họ tin tưởng là có sự minh bạch cao trong quản trị. Việc cân nhắc kỹ hơn các quyết định đầu tư dài hạn vào Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài là điều dễ hiểu trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, lạm phát đang là mối lo toàn cầu, và nhu cầu cạnh tranh về thu hút vốn đầu tư nước ngoài giữa các quốc gia đang trở nên khốc liệt.

Chuyên đề