Thu ngân sách nhà nước 9 tháng tăng gần 14%

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, 9 tháng qua, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 843 nghìn tỷ đồng, bằng 69,5% dự toán, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Thu ngân sách nhà nước 9 tháng tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2016. Ảnh: TTXVN
Thu ngân sách nhà nước 9 tháng tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2016. Ảnh: TTXVN

Trong đó, thu nội địa 9 tháng đạt 663,7 nghìn tỷ đồng, bằng 67% dự toán, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Riêng thu nội địa trừ đất, xổ số kiến thiết, cổ tức, lợi nhuận còn lại và tiền bán bớt cổ phần sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, ước đạt 519,3 nghìn tỷ đồng, bằng 66,4% dự toán, tăng 9,1% so cùng kỳ năm 2016.

Đánh giá về tình hình thu nội địa, Bộ Tài chính cho biết, do tăng trưởng sản xuất công nghiệp chưa được cải thiện, một số ngành sản xuất có đóng góp số thu lớn cho ngân sách trước kia, nay giảm so với cùng kỳ năm trước (khai thác dầu thô và khí thiên nhiên; sản xuất, lắp ráp ô tô; sản xuất điện thoại di động; sản xuất thuốc lá giảm...), nên tiến độ thực hiện các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh nhìn chung đạt thấp.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính thì số thu nội địa về tổng thể vẫn đạt khá so với cùng kỳ năm trước (tăng 13,9%), chủ yếu nhờ các khoản thu gián tiếp như: thu về nhà, đất đạt 119,7% dự toán, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2016; thuế thu nhập cá nhân đạt 74,9% dự toán, tăng 21,1%; thu phí và lệ phí (bao gồm cả lệ phí trước bạ) đạt 83,5% dự toán, tăng 51,3%; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 90,7% dự toán, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Tiến độ thu ngân sách của các địa phương cơ bản đạt khá so dự toán và tăng so với cùng kỳ năm trước. Ước tính có 43/63 địa phương thu đạt trên 72% dự toán và 58/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2016, 5 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ chủ yếu do nguyên nhân khách quan.

Trong đó, Quảng Ngãi do không còn áp dụng cơ chế thu điều tiết đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất; Vĩnh Phúc do giảm thu từ hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô; Thái Bình giảm thu thuế bảo vệ môi trường từ mặt hàng xăng, dầu; Thanh Hóa giảm thu từ thuế nhà thầu của tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn; Hòa Bình giảm thu từ các công ty thủy điện.

Thu từ dầu thô đạt 34 nghìn tỷ đồng, bằng 88,9% dự toán, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2016. Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 214 nghìn tỷ đồng, bằng 75,1% dự toán, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ gần 71,4 nghìn tỷ đồng, thu cân đối ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 142,6 nghìn tỷ đồng, bằng 79,2% dự toán, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Tổng chi ngân sách nhà nước tháng 9 ước đạt 111 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi 9 tháng đạt 904,6 nghìn tỷ đồng, bằng 65,1% dự toán, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2016..

Trong đó, chi đầu tư phát triển 9 tháng đạt 166,6 nghìn tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán. Riêng giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 53,1% dự toán (cùng kỳ năm 2016 đạt 56% dự toán). Chi trả nợ và viện trợ 9 tháng đạt 75,35 nghìn tỷ đồng, bằng 76,2% dự toán.

Ước tính đến hết tháng 9, bội chi ngân sách trung ương khoảng 69% dự toán; ngân sách địa phương chênh lệch thu lớn hơn chi.

Chuyên đề