Thu hẹp đối tượng được bảo lãnh tín dụng

(BĐT) - Nhiều tổ chức quốc tế đã và đang triển khai mạnh mẽ hơn “công cụ tài trợ tài chính” bằng việc cung cấp cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) Việt Nam tự chủ các khoản tín dụng không có bảo lãnh của Chính phủ. 
DNNN phải đáp ứng những điều kiện khắt khe để tiếp cận các khoản tín dụng không có bảo lãnh của Chính phủ. Ảnh: LTT
DNNN phải đáp ứng những điều kiện khắt khe để tiếp cận các khoản tín dụng không có bảo lãnh của Chính phủ. Ảnh: LTT

Song, để có thể tiếp cận được những khoản tài trợ này, DNNN phải có sự cải cách trong quản trị doanh nghiệp, tình hình tài chính DN phải lành mạnh, công khai, minh bạch thông tin để các “chủ nợ” có thể giám sát được.

Chính phủ sẽ giảm bớt bảo lãnh

Tại Hội thảo “Đề xuất tài trợ của AFD bằng khoản vay không có bảo lãnh của Chính phủ”, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính, cho biết, những DNNN sử dụng vốn vay nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mang lại lợi nhuận sẽ không còn được Chính phủ bảo lãnh khi vay vốn. Như vậy, trong giai đoạn 2016 - 2020, cơ chế bảo lãnh chỉ tập trung vào các lĩnh vực mà DNNN không tạo ra lợi nhuận, các lĩnh vực liên quan nhiều đến “quốc kế dân sinh” như bảo vệ môi trường, an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo.

Và thời gian tới, Chính phủ cũng sẽ công bố danh mục dự án bảo đảm các các tiêu chí trên để có cơ chế cấp bảo lãnh Chính phủ. Việc “bảo lãnh của Chính phủ” sẽ tiếp cận trên góc độ dự án, chương trình, chứ không theo danh mục DNNN, ông Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh.

Việc giảm dần hoặc không duy trì cơ chế bảo lãnh cho DNNN trong việc tiếp cận vốn vay nước ngoài sẽ tạo điều kiện cho DNNN trong việc tự tìm kiếm các nguồn vốn từ bên ngoài mà không cần cơ chế bảo lãnh của Chính phủ. Đồng thời, việc DN phải tự tìm kiếm nguồn vốn vay cũng đặt ra yêu cầu cho các DNNN phải hoàn thiện cơ chế quản trị, năng lực và sử dụng vốn hiệu quả.

Tuy nhiên, do phần vốn của Nhà nước vẫn nằm trong các DNNN nên việc tiếp cận các nguồn vốn không có bảo lãnh của Chính phủ vẫn sẽ được Bộ Tài chính kiểm soát, đánh giá, đặc biệt trong đánh giá hiệu quả sử dụng vốn. Ông Đặng Quyết Tiến thông tin: “Chúng tôi sẽ đánh giá toàn bộ quy trình, gồm tài chính, dòng tiền của DN trong 3 năm hiện tại và dòng tiền mà DN sẽ sử dụng trong 10 - 15 năm tiếp theo, dòng vốn này sẽ thường xuyên bị kiểm soát. Vấn đề quan trọng không chỉ sử dụng tiền, trả nợ như thế nào, mà DN phải đổi mới được quản trị trong những năm tới ra sao”. 

DNNN sẽ phải theo cơ chế thị trường

Theo đại diện Bộ Tài chính, khi DNNN tham gia hình thức vay vốn mà không có sự bảo lãnh của Chính phủ, các DNNN sẽ phải chịu sự “giám sát” trực tiếp bởi bên cho vay. Nếu quá trình thẩm định và giám sát của bên cho vay không “kỹ càng” thì bên cho vay sẽ phải tự chịu trách nhiệm đối với các vấn đề rủi ro tài chính và chia sẻ rủi ro này với DNNN.

Ở góc tiếp cận khác, ông Rémi Genevey, Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) cho rằng, việc DNNN tiếp cận nguồn vốn vay này sẽ làm giảm áp lực nợ công đang gần chạm ngưỡng 65% được Quốc hội cho phép. Đồng thời, việc DNNN trực tiếp vay vốn sẽ đặt ra yêu cầu phải chủ động trong việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả, nâng cao năng lực quản trị, xử lý rủi ro và dòng vốn trong thời gian tới. Điều này sẽ giúp cho DN đạt được nhiều kết quả tích cực hơn trong tái cơ cấu, cải cách thời gian tới.

Song, ông Rémi Genevey nhấn mạnh, đối với vấn đề “chất lượng” của số liệu liên quan đến báo cáo tài chính DNNN được công khai, AFD sẽ có những đánh giá rất khác. Đánh giá của AFD sẽ dựa trên những xem xét kỹ lưỡng của các chuyên gia tài chính để xem xét hệ thống đánh giá của các DNNN có đầy đủ các thông tin cần thiết theo tiêu chuẩn tài chính quốc tế hay chưa nhằm bảo đảm kết quả tài chính của DN là “thật” nhất, phản ánh đúng thực trạng của DN. 

Theo AFD, có 3 định hướng đầu tư mà các dự án, chương trình của DNNN Việt Nam nếu đáp ứng đủ các điều kiện thì có thể nhận được khoản vay của AFD không bảo lãnh của Chính phủ. Cụ thể, AFD sẽ tài trợ cho những dự án với mục tiêu khuyến khích phát triển đô thị thân thiện với môi trường; hỗ trợ các ngành sản xuất để cải thiện hiệu suất, nhất là trên phương diện môi trường và xã hội; hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Ông Rémi Genevey nhấn mạnh, AFD cho vay không bảo lãnh của Chính phủ nhưng về cơ bản thì đây vẫn là nguồn vốn ưu đãi ODA của Chính phủ Pháp, nên các dự án, lĩnh vực của DNNN Việt Nam vẫn phải đáp ứng tiêu chí của một dự án sử dụng vốn vay ODA.

Chuyên đề