Thoái vốn nhà nước tại hàng loạt DN lớn

(BĐT) - Trong quyết định vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, 240 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sẽ được sắp xếp lại trong giai đoạn 2016 - 2020. Những DN tên tuổi trong các lĩnh vực như ngân hàng, viễn thông, xây dựng… phải thực hiện thoái vốn đã lộ diện.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nằm trong danh sách các doanh nghiệp sẽ thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2016 – 2020. Ảnh: Lê Tiên
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nằm trong danh sách các doanh nghiệp sẽ thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2016 – 2020. Ảnh: Lê Tiên

“Chỉ mặt đặt tên” doanh nghiệp phải sắp xếp lại

Tại Quyết định về tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước và Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020, đối tượng thực hiện Quyết định là các DNNN do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập; người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại các công ty cổ phẩn, công ty TNHH hai thành viên trở lên do bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh nắm giữ cổ phẩn, vốn góp.

Ngoài ra, Công ty TNHH MTV do HĐTV tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quyết định thành lập; người đại diện phần vốn góp của tập đoàn kinh tế, tổng công ty tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên… cũng phải thực hiện quyết định này.

Đây là văn bản thay thế Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN. Tuy nhiên, nếu như Quyết định số 37 chỉ ghi lĩnh vực cũng như các tiêu chí phân loại DNNN, thì tại Quyết định mới này còn ban hành kèm theo Phụ lục chỉ rõ từng DN và tỷ lệ sở hữu Nhà nước còn nắm giữ tại DN để làm cơ sở thực hiện việc sắp xếp trong giai đoạn 2016 - 2020. Việc “chỉ mặt đặt tên” các DN và tỷ lệ sở hữu Nhà nước còn nắm giữ tại các DN này cũng chính là cơ sở để phân loại, sắp xếp các DNNN hiện có, từ đó tiếp tục thực hiện việc bán vốn nhà nước tại DN, thúc đẩy quá trình sắp xếp, đổi mới DNNN đến năm 2020.

Đáng chú ý, trong danh sách DN phải thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020 có nhiều tổng công ty, tập đoàn nhà nước lớn như VNPT, Mobifone, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (Idico), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank).

Đặc biệt, ngoài các DN trong danh mục sắp xếp, các công ty nông, lâm nghiệp; DN quốc phòng, an ninh; Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Công ty Mua bán nợ Việt Nam, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam cũng sẽ thực hiện sắp xếp theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, với yêu cầu sắp xếp nêu trên, giai đoạn 2016 - 2020 sẽ có 103 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; 4 DN cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ trên 65% vốn điều lệ; 27 DN cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ; 106 DN cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. 

Lộ diện nhiều tên tuổi lớn

Các DN trong lĩnh vực dịch vụ công ích, công nghiệp, xây dựng… sẽ là những DN được thực hiện thoái vốn mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
Theo kế hoạch, tới năm 2020, Agribank sẽ không còn là ngân hàng 100% vốn nhà nước. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ nắm giữ trên 65% vốn tại đây. Ngoài ra, Vinacomin và Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) cũng sẽ được giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống mức trên 65%. Số DN do Nhà nước nắm trên 65% vốn chỉ còn 4 DN.

Nhà nước cũng sẽ chỉ được nắm giữ từ 50 - 65% vốn tại 27 DN khác, trong đó có các DN như VNPT, Mobifone, Tổng công ty Hóa chất, Vinafood 1, Vinafood 2, Tổng công ty Thuốc lá, Tổng công ty Cà phê... Tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước từ 50 - 65% cũng sẽ được áp dụng đối với 5 Tổng công ty Điện lực (miền Bắc, miền Trung, miền Nam, TP. Hà Nội, TP.HCM).

Đáng chú ý, các nhà đầu tư cũng sẽ thấy hào hứng hơn với 106 DN mà Nhà nước nắm giữ tỷ lệ vốn dưới 50% -  một tỷ lệ phần nào cho thấy Nhà nước sẽ không còn chi phối đối với hoạt động tại các DN. Danh sách 106 DN này có nhiều thương hiệu lớn như VTV Cab, VTV Broadcom, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Saigon Tourist, HanoiTourist, Hapro. Đặc biệt, trong lĩnh vực xây dựng quy tụ nhiều DN tên tuổi, điển hình như: Tổng công ty Sông Đà, Vicem, HUD, Idico. Còn trong lĩnh vực dầu khí, 4 cái tên là PVOil, PV Power, BSR, DQS đang được các nhà đầu tư quan tâm.

Trên phương diện sắp xếp theo ngành, lĩnh vực, Nhà nước sẽ nắm giữ 100% vốn điều lệ tại 63 DN hoạt động kinh doanh xổ số; 13 DN xuất bản; 6 DN tín dụng chính sách, đảm bảo an toàn hệ thống tín dụng.

Cùng với đó, Nhà nước sẽ chỉ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ tại 53 DN môi trường, chiếu sáng, cấp thoát nước; 14 DN chế biến, chế tạo; 11 DN xây dựng; 7 DN bán buôn, bán lẻ… Như vậy, các DN trong lĩnh vực dịch vụ công ích, công nghiệp, xây dựng… sẽ là những DN được thực hiện thoái vốn mạnh mẽ trong giai đoạn tới.

Chuyên đề