Thoái vốn khỏi PV Shipyard, SBIC “vướng” gì?

(BĐT) - Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) vừa ra thông báo chào bán toàn bộ 4,48 triệu cổ phần của Công ty CP Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) do tổ chức này nắm giữ. 
PV Shipyard dự kiến phát hành thêm 62 triệu CP để hoán đổi công nợ với Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất. Ảnh: Minh Tuấn st
PV Shipyard dự kiến phát hành thêm 62 triệu CP để hoán đổi công nợ với Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất. Ảnh: Minh Tuấn st

Buổi bán đấu giá được tổ chức vào sáng 21/10/2016 tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Giá khởi điểm 10.000 đồng/CP, tương đương số tiền thu về đạt 44,8 tỷ đồng nếu đấu giá thành công.

PV Shipyard là công ty thành viên của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), có vốn điều lệ gần 595 tỷ đồng, chuyên hoạt động trong lĩnh vực chế tạo, xây lắp giàn khoan và giàn khai thác. SBIC là cổ đông lớn nắm giữ 7,53% cổ phần PV Shipyard và có đại diện giữ chức vụ Thành viên HĐQT. Các cổ đông chủ chốt khác của PV Shipyard bao gồm Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC), Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Công ty CP Lilama 18, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Các tổ chức này đều có đại diện tại HĐQT PV Shipyard.

So với các năm trước đó, năm 2015, PV Shipyard làm ăn khá hiệu quả với lợi nhuận sau thuế đạt 38,7 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi kết quả đạt được năm 2014 (20,2 tỷ đồng). Kết quả kinh doanh nửa đầu năm còn khả quan hơn khi PV Shipyard lãi ròng tới 66 tỷ đồng, cao hơn kết quả đạt được cả năm 2015. Thu nhập bình quân trên mỗi cổ phiếu 6 tháng đầu năm đạt 1.110 đồng.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh “rực rỡ” trong thời gian ngắn vừa qua vẫn chưa đủ khắc phục hết lỗ lũy kế của Công ty. Tính đến cuối quý II/2016, PV Shipyard vẫn lỗ lũy kế 71 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Công ty chỉ còn 527 tỷ đồng, thấp hơn vốn điều lệ tại cùng thời điểm (595 tỷ đồng). Do vậy, giá trị sổ sách mỗi cổ phần PV Shipyard chưa đạt con số 10.000 đồng/CP. PV Shipyard hiện chưa giao dịch tại sàn chứng khoán nên không có mức giá tham chiếu trên thị trường.

Theo kế hoạch, năm 2016, PV Shipyard sẽ thực hiện cân đối lại nguồn vốn bằng cách hoán đổi công nợ, nhằm giảm nợ vay và lãi vay. Cụ thể, PV Shipyard dự kiến phát hành thêm 62 triệu CP để hoán đổi công nợ với Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), đơn vị được PVN giao quản lý phần vốn PV Shipyard đang nợ PVN. Với việc phát hành này, vốn điều lệ của PV Shipyard sẽ tăng từ mức 595 tỷ đồng hiện tại lên 1.215 tỷ đồng. Đồng thời, tỷ lệ sở hữu của SBIC cũng sẽ bị pha loãng từ mức 7,53% xuống còn 3,69%. Việc pha loãng này sẽ gây bất lợi đáng kể đối với SBIC khi tổ chức này muốn thoái vốn khỏi PV Shipyard.

Được biết, xung quanh vấn đề phát hành riêng lẻ nói trên, SBIC đã có công văn đề nghị làm rõ gửi đến PV Shipyard. Phía PV Shipyard cũng đã có văn bản giải trình về việc này. Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2016 của PV Shipyard nêu rõ, nếu SBIC thông qua phương án tăng vốn năm 2016, thì ĐHĐCĐ Công ty sẽ thông qua nội dung phương án.

Chuyên đề