Thiếu cơ chế tự chủ tường minh đối với các trường đại học công lập

(BĐT) - Đó là nhận xét của GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước tại hội thảo về cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập, vấn đề đặt ra và vai trò của Kiểm toán Nhà nước ngày 19/3.
Cần thực thi nhiều giải pháp để cải thiện hiệu quả tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập. 
Ảnh minh hoạ: Internet
Cần thực thi nhiều giải pháp để cải thiện hiệu quả tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập. Ảnh minh hoạ: Internet

Cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập, gồm: Tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy nhân sự và tự chủ về tài chính.

Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, qua một thời gian thực hiện, cơ chế tự chủ này đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo đã được nâng lên, áp lực chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo được giảm nhẹ.

Một số trường đại học đã chủ động huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để gia tăng nguồn thu sự nghiệp và có chênh lệch thu, chi để tăng thu nhập cho người lao động.

Tuy vậy, theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập còn bộc lộ không ít những tồn tại, vướng mắc, cụ thể như: Hệ thống các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật chưa được ban hành kịp thời nhằm làm cơ sở để trường đại học công lập thực hiện; việc quản lý tài chính chưa thật hiệu quả, vẫn còn tình trạng trông chờ, ỷ lại ngân sách nhà nước; chưa khuyến khích tăng mức độ tự đảm bảo nguồn kinh phí; hiệu quả sử dụng tài sản công chưa cao; nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng giáo dục chưa được chú trọng,... 

“Tất cả những tồn tại, hạn chế này xuất phát từ việc thiếu một cơ chế tự chủ rõ ràng, tường minh đối với các trường đại học công lập”, ông Tiên khẳng định.

Đồng tình với quan điểm về việc kết quả triển khai các hoạt động tự chủ tài chính với đại học công lập vẫn còn hạn chế, chậm đổi mới so với yêu cầu, TS.Vũ Hải Nam, Phó Vụ trưởng, Vụ Tổ chức – Biên chế thuộc Bộ Nội Vụ đề xuất một số giải pháp.

Thứ nhất, xác định danh mục dịch vụ sự nghiệp công theo ngành, lĩnh vực.

Để xác định được một dịch vụ sự nghiệp công, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực cần làm rõ một số yếu tố cơ bản của dịch vụ đó, gồm: có khả năng xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật; xác định được tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng; dự báo được lộ trình tính giá đầy đủ.

Thứ hai, quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực.

Quy hoạch này cần bao quát các đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập và hoạt động theo ngành, lĩnh vực đang do các Bộ, ngành Trung ương và địa phương quản lý. 

Các cơ quan này có trách nhiệm chỉ đạo định hướng sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập do mình quản lý gửi Bộ quản lý ngành, lĩnh vực sự nghiệp tổng hợp trong quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực.

Căn cứ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các Bộ, ngành ở Trung ương sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quản lý và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. 

Bên cạnh việc rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực, Bộ quản lý ngành, lĩnh vực sự nghiệp cần nghiên cứu, đề xuất phương án thành lập tổ chức kiểm định chất lượng dịch vụ sự nghiệp công theo ngành, lĩnh vực. 

Về kinh phí hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, TS. Nam cho rằng, cần cơ cấu lại ngân sách phù hợp với lộ trình tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công trong từng ngành, lĩnh vực và thay đổi phương thức cấp ngân sách theo hướng cấp theo đối tượng thụ hưởng (trên cơ sở áp dụng các hình thức giao nhiệm vụ, đấu thầu, đặt hàng); đồng thời, có cơ chế hỗ trợ phù hợp đối với các đối tượng chính sách theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp công lập.

Về quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp, theo ông Nam, cần đẩy mạnh trao quyền tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên trở lên trong việc quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 89/NQ-CP của Chính phủ.

Theo đó, từng bước giảm dần, tiến tới không giao chỉ tiêu biên chế sự nghiệp tại các đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên để thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW gắn với cơ cấu lại chi ngân sách để tạo nguồn bổ sung chi thường xuyên cho hoạt động sự nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập khác chưa có khả năng tự chủ hoặc do Nhà nước đảm bảo ngân sách nhà nước.

Chuyên đề