Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Chuyện con gà - quả trứng

(BĐT) - Bên cạnh hình thức huy động vốn thông qua thị trường cổ phiếu bằng việc phát hành thêm, doanh nghiệp có thể vay tín dụng từ ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu (chủ yếu) cho các tổ chức tài chính. So với vay tín dụng ngân hàng, hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có nhiều lợi thế khiến các doanh nghiệp ngày càng quan tâm.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một kênh huy động vốn rất hiệu quả. Ảnh: Lê Tiên
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một kênh huy động vốn rất hiệu quả. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều ưu thế

Nếu như vay ngân hàng, doanh nghiệp được giải ngân theo lộ trình, căn cứ hợp đồng tín dụng giữa doanh nghiệp và ngân hàng. Với việc phát hành trái phiếu, doanh nghiệp gần như ngay một lúc có thể huy động được “một cục tiền”. Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nhất là trong hoạt động M&A (mua bán - sáp nhập), cần một lượng tiền khổng lồ trong cùng một lúc. M&A trong thời gian vài năm trở lại đây đã và đang trở thành một trào lưu và chưa có dấu hiệu chững lại.

Thông tư số 36/2014/TT-NHNN không cho phép ngân hàng mua trái phiếu tài trợ cho các mục đích M&A nhưng lại không cấm các quỹ cũng như các công ty chứng khoán. “Chính vì vậy, thị trường TPDN sẽ còn phát triển mạnh mẽ”, ông Tống Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Chứng khoán Vietcombank - Chi nhánh TP.HCM nhận định.

Ngoài ra, rất nhiều doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm. Việc này cũng như hình thức vay vốn không có tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu dường như dễ dàng và phổ biến hơn. Bên cạnh đó, hình thức trái phiếu chuyển đổi cũng có thể phần nào tháo gỡ khó khăn và gánh nặng trả nợ gốc cho doanh nghiệp.

Theo thống kê được công bố tại Hội thảo Giới thiệu Bộ chỉ số chung và Sản phẩm mới do Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HSX) và Hà Nội (HNX) đồng tổ chức, thị trường TPDN Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Năm 2015, quy mô thị trường ước đạt hơn 42.700 tỷ đồng. Cách đây 6 năm, toàn bộ TPDN phát hành năm 2010 chỉ ở mức 30.000 tỷ đồng.

Chưa xứng với tiềm năng

Cũng tại hội thảo nói trên, chuyên gia đến từ HNX cho rằng, thị trường TPDN phát triển như một lẽ tự nhiên, sinh ra rồi lớn lên vậy. Đáng chú ý là tỷ trọng thị trường TPDN Việt Nam so với GDP còn quá thấp, chỉ ở mức 1,5%. Tỷ lệ tương đương bình quân của các nước khu vực Asean+3 là 21,7%.

Về cách thức phát hành, có ý kiến cho rằng, thị trường TPDN Việt Nam chưa phát triển được do có tới 99% khối lượng phát hành là riêng lẻ. Nhà đầu tư vì thế cũng bị hạn chế cơ hội khi muốn tìm hiểu lĩnh vực này.

Câu chuyện thị trường TPDN Việt Nam cuối cùng luẩn quần như câu chuyện Con gà - quả trứng vậy! 
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Tống Minh Tuấn cho biết, khi thị trường TPDN đang còn ở giai đoạn “sơ khai” như hiện nay, việc phát hành riêng lẻ là cần thiết. Mỗi tổ chức tín dụng sẽ chịu trách nhiệm về tài sản của mình, cho nên sẽ là người đánh giá chính xác, đầy đủ nhất về năng lực, tín nhiệm của tổ chức phát hành TPDN. Cũng với quan điểm này, ông Tuấn cho rằng, việc phát triển các tổ chức đánh giá hạn mức tín nhiệm là chưa cần thiết, mặc dù hành lang pháp lý cho các tổ chức này hoạt động đã có tương đối đầy đủ.

Các doanh nghiệp cũng như tổ chức tín dụng cần triển khai phát hành riêng lẻ tốt đã, các sản phẩm trái phiếu có tính thanh khoản tốt, đơn cử như như trái phiếu BIDV, Masan… không sớm thì muộn cũng được đưa lên sàn.

“Cần chấp nhận sự thật rằng, nhu cầu thị trường đến đâu thì chúng ta hoàn thiện sản phẩm đến đó. Chứ không thể và không cần thiết khi cứ nghĩ ra các sản phẩm mới rồi áp nó vào thị trường” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Với tỷ trọng phát hành riêng lẻ lên tới 99% như vậy, không bất ngờ khi thống kê cho thấy giai đoạn 2010 - 2015, quy mô thị trường giao dịch TPDN tại các Sở Giao dịch chứng khoán chỉ dao động từ 1.700 đến 4.900 tỷ đồng.

Câu chuyện thị trường TPDN Việt Nam cuối cùng luẩn quần như câu chuyện Con gà - quả trứng vậy! 

Ngân hàng và doanh nghiệp đua nhau phát hành trái phiếu

Cách đây hơn 1 tuần, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã thông qua kế hoạch phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu với mục đích huy động vốn bổ sung vào nguồn vốn cấp 2 và nguồn vốn tự có, đa dạng kênh huy động vốn, hạn chế rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất… Việc ngân hàng thương mại phát hành trái phiếu ra công chúng thay vì mua TPDN hoặc trái phiếu chính phủ cho thấy, “đói vốn” không còn là vấn đề của riêng doanh nghiệp.

Cuối tháng 5 vừa qua, Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (mã chứng khoán VSH) đã thông qua Nghị quyết ĐHCĐ thường niên về việc phát hành 1.200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi nhằm “bơm tiền” cho dự án nhiều tai tiếng: Thủy điện Thượng Kon Tum. Trước đó, Đường Biên Hòa (BHS) cũng dự kiến huy động 500 tỷ đồng trái phiếu nhằm tái cơ cấu các khoản nợ. Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) cũng vừa ký hợp đồng phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu với các ngân hàng thương mại…

Như vậy là, thị trường TPDN chưa phát triển như mong muốn cũng không làm doanh nghiệp hết say mê với công cụ tài chính quen thuộc này. Hy vọng rằng, đến một lúc thị trường đủ lớn, đủ lành mạnh, TPDN sẽ không chỉ là kênh đầu tư của các tổ chức tài chính chuyên nghiệp, mà trở thành sản phẩm của đại chúng như thị trường cổ phiếu hiện nay.

Chuyên đề