Thị trường chứng khoán: Các thay đổi được MSCI ghi nhận là yếu tố tích cực

Các chuyên gia nhận định rằng, khi thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được nâng hạng sẽ thu hút được nhiều lợi ích lớn như dòng vốn nước ngoài, nâng cao tính minh bạch và cải thiện môi trường đầu tư.
Thị trường chứng khoán: Các thay đổi được MSCI ghi nhận là yếu tố tích cực

Lạc quan về triển vọng nâng hạng TTCK

Đánh giá về khả năng TTCK Việt Nam được nâng từ vị trí thị trường sơ khai lên thị trường mới nổi, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế của BIDV đánh giá, nếu Việt Nam phấn đấu hết sức mình và với đà tăng trưởng tốt như thời gian qua, TTCK Việt Nam sẽ được xem xét đưa vào danh sách cần theo dõi để được nâng hạng của MSCI, một trong những tổ chức lớn nhất thế giới về xếp hạng thị trường tài chính.

Theo ông Lực, việc nâng hạng trên mang lại nhiều lợi ích như tăng khả năng thu hút vốn vào thị trường Việt Nam trong bối cảnh hiện có rất nhiều quỹ đầu tư sẵn sàng rót tiền vào các thị trường mới nổi. Thứ hai là giúp tăng khả năng minh bạch. Khi trở thành một thị trường mới nổi, thông tin sẽ được chuẩn hóa hơn với việc áp dụng các cơ chế kế toán, kiểm toán quốc tế.

Ngoài ra, khi trở thành thị trường mới nổi sẽ đẩy mạnh cải cách thể chế mạnh hơn, liên quan đến môi trường đầu tư cũng như môi trường công bố thông tin; Và cuối cùng là việc nâng hạng thị trường thể hiện mức độ phát triển của thị trường tài chính Việt Nam.

Về phía SSI, các chuyên gia phân tích tổ chức này cho rằng về cơ bản Việt Nam đã thỏa mãn các điều kiện định lượng liên quan tới quy mô thị trường và quy mô giao dịch. Và kịch bản thuận lợi nhất, Việt Nam có thể được MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi vào năm 2020, trước đó cần ít nhất 1 năm để MSCI xin ý kiến tư vấn đánh giá từ cộng đồng đầu tư quốc tế, và thêm 1 năm để các quỹ đầu tư chuẩn bị cho các thay đổi và tái cơ cấu các danh mục đầu tư.

Đồng quan điểm với các chuyên gia Việt Nam, ông Charles Sunnucks, chuyên gia từ công ty quản lý quỹ Jupiter Global, giải thích rằng nền kinh tế Việt Nam quá khứ phần lớn bị cô lập khỏi đầu tư và thương mại nước ngoài, nên chưa phát triển so với khu vực. Tuy nhiên, quá trình cải cách gần đây, Việt Nam đã tạo ra nhiều cơ hội đáng kể cho những doanh nghiệp có khả năng thích ứng và tận dụng được thời cơ từ những thay đổi đó.

Trước đây, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào TTCK đã bị giới hạn phần nào bởi các quy định liên quan đến số cổ phần tối đa mà họ được quyền nắm giữ. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách đang dần nới lỏng quyền sở hữu nước ngoài và trong một số trường hợp, các giới hạn dành cho nhà đầu tư ngoại đã được gỡ bỏ hoàn toàn. Khi khả năng tiếp cận thị trường được cải thiện, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để chuyển từ cấp độ thị trường cận biên thành thị trường mới nổi.

MSCI đánh giá cao sự thay đổi của thị trường

Theo đánh giá của MSCI, thị trường Việt Nam dù đã có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế đối với khả năng thâm nhập và tiếp cận thị trường dành cho khối ngoại. Nhằm cải thiện yếu tố này, thị trường Việt Nam đã có nhiều sự thay đổi lớn chỉ trong thời gian qua. Có thể kể đến như việc gia tăng khả năng tiếp cận cơ hội đầu tư dành cho khối ngoại thông qua kênh sản phẩm đầu tư Chứng quyền có bảo đảm được vận hành vào tháng 03/2018. Với kênh đầu tư này, khối ngoại sẽ không bị giới hạn room nắm giữ chứng quyền trên tài sản cơ sở là các cổ phiếu thuộc nhóm Bluechip VN30. Điều này tạo ra lợi thế đầu tư so với nắm giữ cổ phiếu vốn bị giới hạn bởi quy định room ngoại.

Điểm nhấn thứ hai đó là khả năng tiếp cận thông tin đối với nhà đầu tư nước ngoài. Hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài đã có thể tìm kiếm thông tin về thị trường chứng khoán, các quy định giao dịch và thông tin trên trang web của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) bằng ngôn ngữ tiếng Anh. Bên cạnh đó, các báo cáo quan trọng như báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, công bố thông tin giao dịch của doanh nghiệp bằng tiếng Anh cũng đã được nhiều doanh nghiệp chú trọng hơn.

Tuy vậy, số lượng doanh nghiệp tuân thủ việc công bố các văn bản bằng tiếng Anh vẫn chưa thể gọi là nhiều. Trong năm 2017, số lượng doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo thường niên bằng tiếng anh đạt 40 doanh nghiệp, tăng trưởng mạnh so với các năm trước đó. Dù vậy con số này vẫn còn khá ít nếu so với quy mô thị trường Việt Nam hiện tại. Vì vậy, thị trường Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục cải thiện tốt hơn các tiêu chí này trong thời gian tới.

Những nỗ lực thay đổi kể trên sẽ giúp cải thiện đánh giá của MSCI về thị trường Việt Nam đối với các nhóm tiêu chí: Quy định về độ mở của nhà đầu tư nước ngoài, Mức độ nới room ngoại... đều là các tiêu chí quan trọng nhằm gia tăng cơ hội thăng hạng của các thị trường sơ khai trên thế giới.

Tuy nhiên, một trong những điểm yếu của thị trường chứng khoán Việt Nam đó là nhà đầu tư chưa được phép bán khống cổ phiếu. Tuy nhiên, sự ra đời của thị trường phái sinh trong tháng 08/2017 với sản phẩm đầu tư đầu tiên là Hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu VN30-Index đã chính thức tạo cơ hội cho nhà đầu tư kiếm lời theo chiều giá giảm. Khả năng thực hiện các chiến lược phòng hộ rủi ro cũng đã dễ dàng được thực hiện nhờ hợp đồng tương lai. Và mới đây một sản phẩm đầu tư khác là Chứng quyền có bảo đảm cũng sẽ chính thức được giao dịch với tài sản cơ sở là các cổ phiếu thuộc nhóm Bluechip VN30. Điều này sẽ cải thiện rất nhiều vấn đề bán khống trên thị trường chứng khoán và làm đa dạng hơn cấu trúc hạ tầng thị trường tài chính Việt Nam.

MSCI xếp hạng thị trường như thế nào?
Trong tiêu chí phân hạng thị trường chứng khoán, MSCI chia thị trường chứng khoán toàn cầu làm 4 nhóm chính: Thị trường phát triển (developed market), thị trường mới nổi (emerging market), thị trường sơ khai (frontier market) và thị trường độc lập (standalone market).MSCI sử dụng hai hệ tiêu chí để phân loại thị trường. Hệ tiêu chí thứ nhất bao gồm các tiêu chí đánh giá về khía cạnh định lượng. Hệ tiêu chí thứ hai bao gồm các tiêu chí đánh giá về khía cạnh định tính. MSCI sẽ công bố kết quả đánh giá và xếp hạng thị trường vào tháng 06 hàng năm.

Chuyên đề