Thanh toán không dùng tiền mặt: Người nhiệt tình, kẻ ngần ngại

(BĐT) - Sự chần chừ kết nối của nhiều đơn vị, lo ngại bảo mật thông tin và lòng tin với các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa chưa đủ lớn là nguyên nhân khiến liên thông thanh toán không được thông suốt và người tiêu dùng rụt rè trải nghiệm.
Nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà chuyển đổi phương thức thanh toán do ngại lắp đặt máy thanh toán POS, ngại kết nối thanh toán điện tử…
Nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà chuyển đổi phương thức thanh toán do ngại lắp đặt máy thanh toán POS, ngại kết nối thanh toán điện tử…

Biết là tiện lợi nhưng vẫn ngại

“Ai đã dùng dịch vụ trả tiền điện, tiền điện thoại qua tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử thì chắc chắn không muốn quay trở lại trả tiền mặt. Tôi tin chắc là như vậy”, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chia sẻ về trải nghiệm của người dùng với thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay. Ông Dũng nói thêm: “Nhưng thực tế, bao nhiều người trong số chúng ta cầm đến chiếc điện thoại hoặc mở mạng Internet để thanh toán khi cần?”.

Tình trạng “biết là tiện lợi nhưng ngại dùng” cũng phổ biến trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT). Theo thống kê từ Cục TMĐT và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương, chỉ có 3 - 5% giao dịch bán lẻ TMĐT sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

“TMĐT ở Việt Nam đang phát triển rất nhanh, tăng trưởng ở mức 25 - 30%/năm trong những năm gần đây. Tổng giá trị giao dịch TMĐT theo hình thức B2C (business to customer) năm 2018 là khoảng 8 tỷ USD, số giao dịch này hầu hết được thực hiện bằng hình thức giao tiền mặt sau khi nhận hàng (COD)”, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, thông tin.

Bình luận về tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt ít ỏi nêu trên, ông Lê Xuân Vũ, thành viên ban điều hành Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) cho rằng, lý do không hẳn là công cụ thanh toán kém, mà đôi khi khách hàng không đủ tin cậy về hàng hóa nhận được, tức là khách hàng muốn xem và chạm được sản phẩm thực tế trước khi thanh toán.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Tiến Dũng nói: “Đúng là trong nhiều trường hợp, khách hàng không tin được những người bán hàng trên mạng. Hàng hóa trên ảnh một đằng, hàng nhận một nẻo thì lần sau ai còn dám thanh toán trước khi mua hàng nữa”.

Không chỉ từ người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp cũng chưa mặn mà thực hiện chuyển đổi phương thức thanh toán do ngại lắp đặt máy thanh toán POS, ngại kết nối thanh toán điện tử…

Thực tế, những nghi ngại nói trên của người dùng cá nhân và doanh nghiệp cũng một phần xuất phát từ tính an toàn và bảo mật thông tin từ các giao dịch thanh toán.

Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), ngân hàng này đang phải đối mặt với thách thức từ tình trạng giả mạo danh tính trên các kênh giao dịch. “Từ giả mạo thông tin cho đến giả mạo cả người đến làm thủ tục, thậm chí đến nay còn có tình trạng mua bán thông tin thật của một ai đó rồi thuê người đến làm thẻ, lập tài khoản ngân hàng điện tử (ebank) và sử dụng tài khoản đó. Nhiều trường hợp mọi thứ đều là thật và mỗi con người là giả…”, ông Hưng nói.

Không chỉ vậy, khách hàng sử dụng dịch vụ của ngân hàng còn đối mặt với rủi ro về bảo mật thông tin. Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Phạm Thế Trường, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam đặt câu hỏi: “Trên mỗi chiếc smartphone chúng ta đang sử dụng, hiện có bao nhiêu phần mềm có mã độc? Người dân mở tài khoản tại ngân hàng nhưng khi ngân hàng bị tin tặc tấn công thì ai chịu trách nhiệm? Tôi nghĩ là lãnh đạo các cơ quan chức năng nên trăn trở về những vấn đề này cùng với việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt”. 

Giải pháp từ nhiều phía

Thanh toán không dùng tiền mặt mang lại lợi ích cho cả người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, song các điểm nghẽn như trên đang làm chậm quá trình này và đòi hỏi giải pháp chủ lực từ các cơ quan nhà nước.

Theo ông Đào Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Nhà nước cần có chính sách ưu đãi phù hợp như giảm thuế cho các doanh nghiệp và người dân tham gia thanh toán điện tử, củng cố hành lang pháp lý để thuận tiện khi xử lý các tranh chấp phát sinh, đồng thời đẩy mạnh phát triển hạ tầng, đặc biệt là tăng hiệu quả sử dụng dữ liệu giữa các bên tham gia.

“Có tình trạng là mỗi thành phố lại có chuẩn mực thanh toán khác nhau, các trung tâm hành chính và thậm chí ở cả các trạm BOT cũng vậy. Đây là sự lãng phí của cả xã hội và gây khó cho ngân hàng”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Chia sẻ ý kiến về sự bất cập nêu trên, ông Phạm Tiến Dũng nói: “Cần có cơ chế chia sẻ dữ liệu mở giữa các bên. Ngân hàng Nhà nước đang tích cực thực hiện điều này và rất cần sự phối hợp hơn nữa”.

Bên cạnh đó, ông Dũng cho biết, tháng 6 năm nay, NHNN sẽ trình Chính phủ khung pháp lý thử nghiệm, bao gồm cơ chế áp dụng cho nhiều loại hình chưa được quy định. “Với các ứng dụng công nghệ mới, cơ chế pháp lý thường bị chậm. Do đó, chúng ta cần có cách ứng xử phù hợp, cho phép thử nghiệm thì mới có thể thúc đẩy được”, vị Vụ trưởng nói.

Chuyên đề