Thanh khoản ngân hàng, vẫn chưa hết lo!

Tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm thấp hơn tăng trưởng huy động, nhưng theo dự báo của BIDV, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tháng 6 có xu hướng tăng trở lại. Nỗi lo thanh khoản vẫn thường trực, không chỉ vì áp lực tỷ giá và mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18 - 20% trong năm...  
Nợ xấu được xử lý chậm, nỗi lo thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn thường trực
Nợ xấu được xử lý chậm, nỗi lo thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn thường trực

Báo cáo Kinh tế vĩ mô tháng 5/2016 của Trung tâm Nghiên cứu BIDV mới công bố nhận định, lãi suất VND liên ngân hàng tháng 5/2016 giảm mạnh, với thanh khoản khá dư thừa. Các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cung nguồn khiến lãi suất giảm sâu do tăng trưởng tín dụng VND chưa có nhiều đột biến (4 tháng chỉ đạt 3,57%, trong khi huy động vốn tăng 4,5%).

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục bơm tiền đồng ra thị trường qua kênh ngoại hối, với hơn 72.000 tỷ đồng trong tháng 4 và tháng 5/2016 (tính đến ngày 20/5/2016). Tuy nhiên, BIDV cho rằng, lãi suất VND liên ngân hàng tháng 6/2016 có xu hướng tăng trở lại do NHNN đang tạm dừng hoạt động bơm tiền ra thị trường thông qua kênh ngoại hối. Về dài hạn, áp lực tăng lãi suất sẽ lớn dần khi tín dụng chịu áp lực tăng trưởng 18 - 20% trong năm 2016, trong khi 5 tháng đầu năm chỉ tiêu này mới tăng tổng cộng hơn 4%”.

"Nợ xấu vẫn còn đó thì ngân hàng vẫn phải huy động để bù đắp vào món tiền này nếu người gửi tiền vào trước đây lấy tiền ra, đó là còn chưa kể tới chi phí vốn…" - lãnh đạo một ngân hàng.
“Lãi suất huy động dự báo sẽ tăng nhẹ đảm bảo thanh khoản cho tín dụng, một phần “cạnh tranh” với thị trường trái phiếu chính phủ và diễn biến của lạm phát”, Báo cáo của BIDV viết thêm.

Phân tích vai trò của thị trường liên ngân hàng chủ yếu phục vụ cho dự trữ bắt buộc và bù đắp thanh khoản tạm thời của các ngân hàng và việc một vài ngân hàng có nhu cầu về nguồn vốn sẽ khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng bị đẩy lên, nhưng lãnh đạo OCB cho rằng, việc lãi suất liên ngân hàng biến động trong thời gian ngắn chưa chắc phản ánh đúng thực trạng thị trường.

“Theo quan sát của tôi, thanh khoản các ngân hàng bình thường, tiền vào hệ thống vẫn tăng, chưa có biến động gì đặc biệt. Thậm chí, như OCB đang phải giảm lãi suất huy động, bởi thanh khoản vẫn đang dư”, lãnh đạo OCB nói.

Ở một góc nhìn khác, Giám đốc tiền tệ một ngân hàng cho biết, gần như trong cả tuần qua, NHNN liên tiếp hút về lượng VND đã được bơm ra để mua USD thông qua phát hành tín phiếu với tổng cộng khoảng 33.000 tỷ đồng. Lãi suất tiền đồng bắt đầu tăng lên, đặc biệt, lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã vọt lên 2,5%/năm, trong khi tuần trước đó chỉ có 0,5 - 1%/năm.

“NHNN đang phải hút tiền về vì tỷ giá đang chạy nhanh. Tỷ giá USD/VND từ chỗ ổn định ở mức 22.300 đã vọt lên mức cao nhất là 22.490. Sau động thái hút tiền về của NHNN, cuối tuần trước, tỷ giá đã hạ nhiệt xuống còn 22.415 - 22.420 đồng/USD”, vị giám đốc trên nói.

Khó khăn thanh khoản trong hệ thống ngân hàng thường gắn liền với câu chuyện nợ xấu, ngân hàng yếu kém. Nợ xấu trong hệ thống đã được xử lý về ngưỡng an toàn, dưới 3% từ đầu quý IV/2015. Tuy nhiên, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia chỉ ra, nợ xấu nằm trong bảng cân đối tài sản của các ngân hàng hiện chỉ có 120.000 tỷ đồng, song số nợ vẫn nằm tại VAMC lên tới 245.000 tỷ đồng và các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ này. Bên cạnh đó, năm 2015, tín dụng tăng tới 19% cũng khiến nợ xấu phát sinh mới lên tới 45.000 tỷ đồng.

“Nợ xấu vẫn còn đó thì ngân hàng vẫn phải huy động để bù đắp vào món tiền này nếu người gửi tiền vào trước đây lấy tiền ra, đó là còn chưa kể tới chi phí vốn…”,  vị giám đốc tiền tệ ngân hàng nói.

Trong Chỉ thị số 04/CT-NHNN về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016 ban hành cuối tháng 5, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, ổn định lãi suất huy động, có điều kiện giảm lãi suất cho vay; chú trọng quản lý rủi ro thanh khoản, rủi ro chênh lệch kỳ hạn và loại tiền, đảm bảo an toàn hoạt động… Đồng thời, tiếp tục triển khai phương án cơ cấu lại, thực hiện các biện pháp xử lý nợ xấu, phấn đấu duy trì bền vững tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống dưới 3%.

Tại buổi tiếp và làm việc với bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã khẳng định, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc xử lý nợ xấu một cách thực chất hơn, đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, xử lý hiệu quả các đơn vị yếu kém.  

Chuyên đề