Thận trọng với cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập

(BĐT) - Các trường học và bệnh viện sẽ chuyển dần sang cơ chế tự chủ và tiến tới tự chủ hoàn toàn, nhiều cơ quan chuyên môn của Nhà nước sẽ thuộc diện cổ phần hóa. 
Cần có lộ trình tự chủ dần dần cho các đơn vị sự nghiệp công lập trước khi thực hiện cổ phần hóa. Ảnh: Trần Sơn
Cần có lộ trình tự chủ dần dần cho các đơn vị sự nghiệp công lập trước khi thực hiện cổ phần hóa. Ảnh: Trần Sơn

Đề xuất này của Bộ Tài chính nhằm từng bước chuyển đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thành công ty cổ phần vẫn gây băn khoăn về tính công bằng và an sinh xã hội.

Bệnh viện, trường học tự chủ từ từ

Dự thảo Nghị định về chuyển ĐVSNCL thành công ty cổ phần đang được Bộ Tài chính xây dựng nêu: “ĐVSNCL là bệnh viện, trường học trực thuộc các bộ, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện; ĐVSNCL thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chưa có kế hoạch cổ phần hóa: Trong giai đoạn đến năm 2021, chưa chuyển các đơn vị này thành công ty cổ phần mà đẩy mạnh hoạt động theo cơ chế tự chủ, tiến tới tự chủ hoàn toàn, hạch toán kế toán theo quy định của các chuẩn mực kế toán áp dụng cho doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị ở các địa bàn có khả năng xã hội hóa cao”.

Theo đánh giá của ban soạn thảo, việc chưa thực hiện chuyển đổi các đối tượng đơn vị sự nghiệp này thành công ty cổ phần mà “đẩy mạnh hoạt động theo cơ chế tự chủ, tiến tới tự chủ hoàn toàn, hạch toán kế toán như quy định của các chuẩn mực kế toán áp dụng cho doanh nghiệp” cũng là một bước chuyển đổi của các trường học, bệnh viện, nhằm tiến tới việc chuyển đổi thành công ty cổ phần của các đối tượng này.

Bình luận về giải pháp này, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính thuộc Học viện Tài chính nói: “Không chỉ doanh nghiệp, để các trường học và bệnh viện hoạt động có hiệu quả thì vẫn cần cổ phần hóa. Tuy nhiên, cách làm này có liên quan đến việc đảm bảo tính công bằng của xã hội. Bởi lẽ, khi trường học và bệnh viện hoạt động hoàn toàn theo cơ chế thị trường thì người nghèo khó có đủ khả năng được cung ứng dịch vụ ở mức căn bản. Đây là điều đáng băn khoăn khi xây dựng chính sách, ở mức độ nào đó cũng đành phải đánh đổi giữa hiệu quả về mặt kinh doanh và công bằng xã hội”.

Đây cũng là lý do để ông Độ cho rằng cần có “vùng xám” về cơ chế thị trường của các mô hình này để đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội. Chẳng hạn, tồn tại song song cả hình thức khám bệnh theo bảo hiểm xã hội và khám bệnh theo dịch vụ, hoặc muốn phổ cập giáo dục các cấp thì chắc chắn phải có trường công lập. “Câu chuyện này không bao giờ giải quyết triệt để được. Không thể theo thị trường hoàn toàn mà cũng không thể bao cấp hoàn toàn. Còn thị trường ở mức độ nào hay bao cấp ở mức độ nào lại phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của từng giai đoạn”, vị Phó Viện trưởng nhấn mạnh. 

Cần có mô hình doanh nghiệp phi lợi nhuận

Khi trường học và bệnh viện hoạt động hoàn toàn theo cơ chế thị trường thì người nghèo khó có đủ khả năng được cung ứng dịch vụ ở mức căn bản.
Điểm đáng chú ý khác tại Dự thảo Nghị định là bổ sung đối tượng điều chỉnh bao gồm: ĐVSNCL thuộc các cơ quan chuyên môn của các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ; đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; ĐVSNCL trực thuộc ĐVSNCL.

Công tác tại đơn vị thuộc đối tượng cổ phần hóa theo nội dung này, TS. Nguyễn Đức Độ phân tích: “Mỗi năm, Nhà nước đều tốn một khoản tiền để nuôi các đơn vị như vậy. Như vậy, cổ phần hóa sẽ giảm một khoản chi cho ngân sách nhà nước. Song thực tế, những đơn vị này có công việc chính là làm công tác nghiên cứu để phục vụ cho quá trình hoạch định chính sách của Nhà nước, hay nói cách khác, Nhà nước gần như là khách hàng duy nhất của chúng tôi. Nếu cổ phần hóa, tôi cũng chưa hình dung đơn vị của mình sẽ hoạt động như thế nào”.

Từ suy nghĩ đó, ông Độ cho rằng, cần có lộ trình tự chủ dần dần cho các đơn vị như vậy trước khi thực hiện cổ phần hóa hoàn toàn để tránh những tác động về mặt chính trị và xã hội.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế đề xuất, nên chuyển các đơn vị chuyên môn của Nhà nước, các trường đại học và bệnh viện thành doanh nghiệp hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận. “Đó có thể là các công ty có doanh thu đủ bù đắp chi phí và chia cổ tức cho các ông chủ theo một tỷ lệ vừa phải, chẳng hạn bằng với lợi tức của trái phiếu chính phủ. Cách làm này vừa hạn chế tình trạng méo mó về chức năng và nhiệm vụ của các đối tượng này sau khi cổ phần hóa. Mặt khác, trong bối cảnh Nhà nước vẫn đang quản lý về giá và chất lượng nhiều dịch vụ công, việc xây dựng một mô hình như vậy sẽ thiết thực và hiệu quả”, ông Ánh nói và nhấn mạnh: “Tuy nhiên, trước tiên vẫn phải quy định cụ thể hoạt động của công ty theo mô hình như vậy thay vì áp các quy định về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cho cổ phần hóa các ĐVSNCL”.

Chuyên đề