Sức khỏe của Vinalines ra sao trước IPO?

(BĐT) - Báo cáo tài chính của Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã được kiểm toán năm 2016 cho thấy, sức khỏe tài chính của Tổng công ty đang cải thiện rõ rệt trước thềm cuộc đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), có thể diễn ra vào cuối năm 2017. 
Đơn vị kiểm toán đã đưa ra khá nhiều ý kiến ngoại trừ về báo cáo tài chính 2016 của Vinalines. Ảnh: Tiên Giang
Đơn vị kiểm toán đã đưa ra khá nhiều ý kiến ngoại trừ về báo cáo tài chính 2016 của Vinalines. Ảnh: Tiên Giang

Tuy nhiên, Công ty TNHH KPMG - đơn vị thực hiện kiểm toán đã nêu ra hàng loạt ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo của Vinalines.

Hoạt động tài chính cải thiện

Tháng 3/2015, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn tất các công việc chuẩn bị cho IPO của Công ty mẹ Vinalines theo hướng bán 64% vốn nhà nước hiện có tại đây, phát hành thêm cổ phần để tăng vốn, hoán đổi nợ lấy cổ phần. Tuy nhiên, phương án này đã bị dừng lại. 

Sau đó, Vinalines đã trình lên một phương án mới và được Thủ tướng chấp thuận hồi đầu tháng 1/2017. Cụ thể, vào tháng 7/2017 sẽ phê duyệt giá trị doanh nghiệp, đến tháng 11/2017 phê duyệt phương án cổ phần hóa; tháng 12/2017 sẽ IPO; tháng 1/2018 tổ chức ĐHĐCĐ lần thứ nhất, đăng ký doanh nghiệp và ra mắt công ty cổ phần. Với phương án mới này, thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp Công ty mẹ Vinalines đã được đẩy lùi lại ngày 31/12/2016. Vì vậy báo cáo tài chính năm 2016 đã kiểm toán là một yếu tố quan trọng quyết định thành công của vụ IPO Vinalines.

Năm ngoái, báo cáo tài chính riêng của Công ty mẹ - Vinalines đã gây ngạc nhiên cho dư luận với việc ghi lợi nhuận ròng 329 tỷ đồng sau nhiều năm thua lỗ. Mới đây, doanh nghiệp này đã công bố báo cáo tài chính riêng của Công ty mẹ năm 2016 với con số lợi nhuận ròng tăng từ 981 tỷ đồng (lợi nhuận sau thuế năm 2015 đã điều chỉnh lại) lên tới 2.148 tỷ đồng (tăng hơn 2 lần so với năm 2015). Như vậy, trong vòng 2 năm trở lại đây, Vinalines không những chuyển từ lỗ sang lãi, mà còn ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng. Với các kết quả này, lỗ lũy kế của Vinalines tại thời điểm 31/12/2016 chỉ còn 2.760 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đã tăng từ 10.377 tỷ lên 12.314 tỷ đồng.

Ngoài ra, những điểm đáng chú ý trên báo cáo tài chính riêng năm 2016 là việc Vinalines hoàn nhập khoản dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi lên tới 341 tỷ đồng và hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính lên tới 2.709 tỷ đồng. Điều này có thể đã giúp Tổng công ty ghi nhận doanh thu khác năm 2016 lên tới 3.768 tỷ đồng. Đây là nhân tố chính giúp Vinalines ghi nhận lợi nhuận khủng cho năm 2016, trong khi lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh lên tới 1.620 tỷ đồng. 

Ý kiến ngoại trừ của kiểm toán

Liên quan đến các nghĩa vụ của Tổng công ty với công ty con sẽ thực hiện phá sản. Vào các ngày 10/12/2015, ngày 8/12/2015 và ngày 25/12/2015 Tòa án nhân dân TP. Hà Nội, Tòa án nhân dân TP.HCM và Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau đã lần lượt tiến hành mở thủ tục phá sản đối với Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin (Công ty Vinashinlines), Công ty CP Vận tải dầu khí Việt Nam (Công ty Falcon) và Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cà Mau (Công ty CNTT Cà Mau), ba công ty con của Tổng công ty, với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 100%, 51%, và 100%.

Liên quan tới Vinashinlines, vốn đã góp của Vinalines tại ngày 31/12/2016 là 414,3 tỷ đồng, tuy nhiên vốn điều lệ đăng ký của Vinashinlines, theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0101995707 ngày 28/6/2010 là 1.500 tỷ đồng. Do đó Tổng công ty có thể phát sinh nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của Vinashinlines tương ứng với mức vốn điều lệ đã đăng ký theo quy định trong Luật Doanh nghiệp, mặc dù Tổng công ty chưa góp đủ số vốn điều lệ này.

Ban lãnh đạo Vinalines cũng chưa ước tính những nghĩa vụ nào khác có thể phát sinh liên quan đến việc thực hiện thủ tục phá sản đối với Vinashinlines, Falcon và CNTT Cà Mau. Vì vậy, KPMG không thể tiến hành các thủ tục kiểm toán để xác định ảnh hưởng của việc Tổng công ty chưa đóng góp đủ vốn vào Vinashinlines cũng như các nghĩa vụ khác có thể phát sinh từ việc phá sản các công ty con trên đối với các báo cáo tài chính riêng của Tổng công ty.

Liên quan đến các khoản phải thu, tại ngày 31/12/2015, có khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng là hơn 19 tỷ đồng, phải thu về cho vay ngắn hạn gần 15,5 tỷ đồng, phải thu ngắn hạn khác 615 tỷ đồng, trả trước cho người bán dài hạn 49 tỷ đồng và phải thu dài hạn khác 835 triệu đồng. Đây là các khoản phải thu thương mại và các khoản phải thu từ các công ty đang làm thủ tục phá sản và một số cá nhân liên quan đến vụ án Ụ nổi 83M đã quá hạn.

Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Tổng công ty chưa tiến hành đánh giá khả năng thu hồi của những khoản phải thu này. Do vậy, KPMG không thể thực hiện được những thủ tục kiểm toán thích hợp để xác định khả năng thu hồi của những khoản phải thu đó tại ngày 31 tháng 12 năm 2015. Do số dư đầu năm tại ngày 1/1/2016 được mang sang căn cứ trên số liệu báo cáo tài chính riêng tại ngày 31/12/2015 ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh và lưu chuyển tiền tệ trước hợp nhất của Tổng công ty cho năm kết thúc ngày 31/12/2016, KPMG không thể xác định được các điều chỉnh có thể là cần thiết đối với lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2016, thu nhập khác, và lợi nhuận sau thuế trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh riêng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trên báo cáo lưu chuyển tiền riêng của Tổng công ty cho năm kết thúc ngày 31/12/2016.

Chuyên đề