Sẽ thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi ngân sách Nhà nước

Từ tháng 10/2017, sẽ thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi ngân sách Nhà nước qua hệ thống Kho bạc trên toàn quốc.
Họp báo về thống nhất đầu mối kiểm soát chi ngân sách trong hệ thống kho bạc nhà nước. Ảnh: BNEWS
Họp báo về thống nhất đầu mối kiểm soát chi ngân sách trong hệ thống kho bạc nhà nước. Ảnh: BNEWS

Thông tin trên được ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước cho biết tại buổi họp báo chuyên đề về thống nhất đầu mối kiểm soát chi ngân sách trong hệ thống kho bạc nhà nước chiều 29/9.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh thì thời gian qua, công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước trong hệ thống Kho bạc Nhà nước chưa tập trung vào một đầu mối. Cụ thể phân công 2 đơn vị phòng, bộ phận kiểm soát chi thực hiện kiểm soát chi vốn đầu tư và phòng, bộ phận kế toán thực hiện kiểm soát chi các khoản chi thường xuyên.

Với mô hình này, theo đánh giá của Kho bạc Nhà nước, mặc dù tương đối phù hợp với đặc thù của Kho bạc Nhà nước trong giai đoạn vừa qua nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định.

Đơn cử như chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong việc giao dịch thanh toán với các đơn vị Kho bạc Nhà nước.

Đặc biệt là đối với trường hợp đơn vị sử dụng ngân sách được giao cả dự toán chi thường xuyên, chi đầu tư và những trường hợp chương trình, dự án được giao cả vốn đầu tư và kinh phí thường xuyên. Bên cạnh đó, chưa đảm bảo nguyên tắc tách bạch giữa nghiệp vụ kiểm soát chi và nghiệp vụ kế toán...

Xuất phát từ những tồn tại đó, lãnh đạo Kho bạc Nhà nước nhấn mạnh, việc triển khai nghiên cứu xây dựng và tổ chức thực hiện đề án “Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi ngân sách Nhà nước trong hệ thống Kho bạc Nhà nước" là rất cấp thiết. 

Đề án được Kho bạc Nhà nước bắt đầu triển khai xây dựng từ năm 2015, đồng thời thí điểm tại Kho bạc Nhà nước Thừa Thiên Huế và Phú Thọ đã đạt được những kết quả đánh khích lệ; trong đó có việc nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ khách hàng.

Đề án đã thu được một số kết quả cụ thể như khi áp dụng mô hình này, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, bản quản lý dự án trong hoạt động giao dịch, thanh toán các khoản chi ngân sách Nhà nước với Kho bạc Nhà nước.

Các khách hàng chỉ cần gửi hồ sơ đề nghị thanh toán đến một công chức làm nhiệm vụ kiểm soát chi, nơi đơn vị mở tài khoản theo quy định “một cửa, một giao dịch viên”.

Đồng thời, việc luân chuyển chứng từ chi ngân sách Nhà nước trong nội bộ Kho bạc Nhà nước (giữa kiểm soát chi và kế toán) được thực hiện hoàn toàn trên hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS), nên có sự kiểm soát, giám sát của Lãnh đạo đơn vị Kho bạc Nhà nước, đảm bảo việc xử lý hồ sơ, chứng từ được nhanh, kịp thời.

Nhiều khoản chi, nhất là các khoản chi thường xuyên, chi an sinh xã hội, chi bằng tiền mặt... theo đề nghị của đơn vị đã được xử lý ngay trong ngày.

Để đảm bảo thực hiện thành công Đề án, Kho bạc Nhà nước cho biết tiếp tục theo dõi, giám sát, hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án tại địa phương; tại Kho bạc Nhà nước luôn luôn có Đội hỗ trợ giúp các đơn vị Kho bạc Nhà nước trong hệ thống (hỗ trợ cả về kỹ thuật thực hiện trên TABMIS và các phần mềm ứng dụng và hỗ trợ, hướng dẫn xử lý những vướng mắc về cơ chế chính sách) đảm bảo kiểm soát chi, thanh toán và chuyển tiền cho đơn vị thụ hưởng được diễn ra bình thường.

Chuyên đề