SCIC không dễ bán vốn tại VOI

(BĐT) - Công ty CP Đầu tư Việt Nam - Oman (VOI) được thành lập nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam với vốn cam kết đầu tư ban đầu lên đến 100 triệu USD. Hai cổ đông chính của VOI là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Quỹ dự trữ quốc gia Oman (SGRF). 
Công ty CP Đầu tư Việt Nam - Oman là nhà đầu tư góp vốn thực hiện Dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống. Ảnh: Minh Tuấn st
Công ty CP Đầu tư Việt Nam - Oman là nhà đầu tư góp vốn thực hiện Dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống. Ảnh: Minh Tuấn st

Sau 7 năm hoạt động nhưng kém hiệu quả, SCIC đang lên kế hoạch thoái toàn bộ vốn góp hơn 6 tỷ đồng tại VOI. Tuy nhiên, việc SCIC bán thỏa thuận hay đấu giá phần vốn góp tại doanh nghiệp này đang là vấn đề gây tranh luận.

Cơ chế hoạt động khó hiểu

Ngày 5/11/2008, VOI được thành lập với vốn điều lệ là 1,5 triệu USD, trong đó, tỷ lệ vốn góp của SCIC là 25%. Năm 2011, VOI thực hiện tăng vốn điều lệ lên 2,275 triệu USD, SCIC không tham gia nên tỷ lệ vốn góp của SCIC giảm xuống còn 16,48%. Tính tới thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của VOI là hơn 41 tỷ đồng, trong đó SCIC nắm giữ 16,48%, SGRF nắm giữ 83,51%, và Công ty TNHH WOPAC nắm giữ vỏn vẹn 0,01%.

Cơ chế hoạt động lúc mới thành lập của VOI khá khó hiểu khi quy định rằng, đề xuất đầu tư phải được thông qua bởi ít nhất 90% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của tất cả các cổ đông. Như vậy, với tỷ lệ vốn góp như nêu trên thì chỉ cần 1 trong 2 bên phủ quyết, Công ty không thể đưa ra quyết định kinh doanh.

Cơ chế hoạt động này cũng là nguyên nhân dẫn đến 2 năm đầu tiên đi vào vận hành, VOI không có bất kỳ khoản doanh thu từ cung cấp dịch vụ do SGRF và SCIC không thống nhất được về quan điểm, tiêu chí và lĩnh vực ưu tiên đầu tư. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí duy trì hoạt động, dẫn đến lỗ lũy kế đến năm 2011 là hơn 34 tỷ đồng.

Kể từ năm 2012, VOI đã giảm tỷ lệ số cổ phần có quyền biểu quyết để thông qua đề xuất đầu tư từ 90% xuống 75%. Lúc này SCIC chỉ còn nắm giữ 16,48% nên VOI đã đưa ra được các quyết định đầu tư và bắt đầu có doanh thu. Kết quả, VOI dần khắc phục được lỗ lũy kế và năm 2016 đã bắt đầu có lợi nhuận là trên 6 tỷ đồng. VOI được biết đến là doanh nghiệp đứng đầu trong danh sách doanh nghiệp đầu tư ngành nước sạch tại Việt Nam. Gần nhất, doanh nghiệp này đã góp vốn thực hiện Dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống.

Rắc rối khi bán vốn

2 năm đầu tiên đi vào vận hành, VOI không có bất kỳ khoản doanh thu từ cung cấp dịch vụ do SGRF và SCIC không thống nhất được về quan điểm, tiêu chí và lĩnh vực ưu tiên đầu tư. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí duy trì hoạt động dẫn đến lỗ lũy kế đến năm 2011 là hơn 34 tỷ đồng.
Căn cứ theo Điều 15, 17, 19 tại Thỏa thuận cổ đông đã ký giữa SCIC và các cổ đông Oman, trong trường hợp SCIC muốn chuyển nhượng cổ phần cho một bên thứ ba thì SCIC bắt buộc phải thực hiện thông báo cho các bên Oman và các bên Oman có quyền mua tất cả cổ phần của SCIC, SCIC chỉ được bán cho bên thứ 3 nếu các bên Oman không thực hiện quyền mua.

Như vậy, nếu tuân thủ theo các điều khoản về chuyển nhượng cổ phần tại thỏa thuận đã ký thì SCIC sẽ không thể thực hiện việc đấu giá/chào giá cạnh tranh để lựa chọn nhà đầu tư và tuân theo các nguyên tắc về việc bán vốn nhà nước quy định tại Nghị định số 151/2013/NĐ-CP.

Để giải quyết vấn đề này, SCIC đã đề nghị SGRF và WOPAC sửa đổi thỏa thuận để SCIC có thể thực hiện việc bán vốn theo đúng quy định. Tuy nhiên, các bên có quan điểm không thống nhất.

Để việc bán vốn tại VOI phù hợp với thỏa thuận với SGRF và không trái với quy định hiện hành, SCIC đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án bán thỏa thuận cổ phần của SCIC cho phía cổ đông Oman.

Tại Công văn số 3953/BTC-TCDN trình lên Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, bên Oman chỉ có quyền ưu tiên mua lại toàn bộ cổ phần của SCIC tại VOI nhưng trên cơ sở giá bán dự kiến của SCIC đối với nhà đầu tư khác (bên mua thứ ba) do SCIC đàm phán; trường hợp bên Oman không thực hiện quyền ưu tiên, SCIC thực hiện chuyển nhượng cho các nhà đầu tư khác. Do đó Bộ Tài chính đồng ý phương án bán thỏa thuận do SCIC đề xuất.

Mặc dù Bộ Tài chính đã có quan điểm đồng ý bán thỏa thuận, việc thoái vốn tại VOI của SCIC vẫn phải chờ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chuyên đề