“Sập” sàn chứng khoán, thiệt hại những gì?

(BĐT) - Ngày 24/1, thị trường chứng khoán TP.HCM tiếp tục đóng cửa để thử nghiệm toàn thị trường. Vào lúc 14h31 ngày 22/1 đã xảy ra sự cố kỹ thuật khiến cho hệ thống giao dịch không thể khớp lệnh. HOSE cho biết đang tích cực khắc phục sự cố để nối lại hoạt động giao dịch trong thời gian sớm nhất.
Việc ngừng giao dịch của HOSE sẽ ảnh hưởng tới uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh: Quang Tuấn
Việc ngừng giao dịch của HOSE sẽ ảnh hưởng tới uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh: Quang Tuấn

Đây là lần ngừng giao dịch dài nhất của HOSE kể từ lần đóng cửa 3 ngày vào tháng 5/2008 do trục trặc máy tính. Điều này đương nhiên ảnh hưởng tới uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam. Đặc biệt là trong bối cảnh đầu năm 2018 có nhiều nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản giao dịch.

Theo ông Bùi Nguyên Khoa, Chuyên gia cao cấp - Phòng Phân tích nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), ảnh hưởng này là không nhiều khi trong những ngày này tiền vẫn đang đổ vào sàn Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Có nghĩa là không có HOSE thì vẫn còn HNX. Điều này cho thấy, tâm lý nhà đầu tư vẫn đang rất tốt.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, với giá trị giao dịch một ngày khoảng 10.000 tỷ đồng và phí giao dịch cho cả mua và bán là khoảng 0,3% thì các công ty chứng khoán mất đi 30 tỷ đồng mỗi ngày. Đồng thời, ngân sách nhà nước cũng bị ảnh hưởng do mất thu thuế. Còn về phía nhà đầu tư họ sẽ phải chịu khoảng 10 tỷ đồng lãi margin mỗi ngày.

Vẫn theo ông Hải, có những thị trường chứng khoán lớn hơn rất nhiều thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng họ chỉ gặp sự cố ngừng giao dịch trong vài giờ đồng hồ. Vì vậy, việc ngừng giao dịch đến vài ngày như HOSE sẽ ảnh hưởng tới uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam. Sở giao dịch cần có hệ thống dự phòng cho những trường hợp như thế này.

Một nhà đầu tư cho biết, việc sập sàn lần này đã ít nhiều ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của thị trường trong con mắt của nhà đầu tư. Nếu không được khắc phục nhanh có thể khiến nhà đầu tư thận trọng hơn khi tham gia vào thị trường. 

Trong thông cáo phát đi ngày 23/1, HOSE cho biết đã tiến hành kiểm tra và xử lý sự cố hệ thống giao dịch ngày 22/1/2018. Được sự đồng ý của Ủy ban Chứng khoán, để đảm bảo an toàn và chính xác cho hệ thống giao dịch, HOSE tiếp tục tạm ngừng giao dịch ngày 24/1/2018 để kiểm thử với các công ty chứng khoán thành viên toàn thị trường trước khi chính thức mở cửa thị trường trở lại.

Theo tìm hiểu, dịch vụ công nghệ thông tin của HOSE được cung cấp bởi đối tác KRX của Hàn Quốc, lễ ký hợp đồng diễn ra vào tháng 12/2012. Trước đó, KRX đã được lựa chọn là nhà thầu cho Gói thầu “Thiết kế, giải pháp, cung cấp lắp đặt và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin” trị giá 600 tỷ đồng vào cuối năm 2009. Gói thầu nhằm trang bị hệ thống công nghệ thông tin với các tính năng nghiệp vụ mới, đa dạng, hướng đến chuẩn mực và thông lệ quốc tế, cùng với một nền tảng hạ tầng hệ thống hiện đại, đồng bộ và tích hợp cho toàn bộ thị trường chứng khoán Việt Nam. Hệ thống nhằm phục vụ các hoạt động nghiệp vụ giao dịch, giám sát, thông tin thị trường tại HOSE và HNX cũng như nghiệp vụ đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán cho Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Chuyên đề