Rủi ro khi DATC mở rộng hoạt động

(BĐT) - Doanh nghiệp (DN) có dưới 50% vốn nhà nước cũng có thể là đối tượng được Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (DATC) tái cơ cấu. Bên cạnh đó, công ty này có thể cung cấp tài chính hoặc bảo lãnh để phục hồi các DN. 
Rủi ro khi DATC mở rộng hoạt động

Những đề xuất này của Bộ Tài chính nhằm tăng phạm vi hoạt động cho DATC, song vẫn tiềm ẩn rủi ro với vốn nhà nước nếu công ty này chưa thực sự sẵn sàng về năng lực tham gia thị trường. 

Thêm đối tượng được tái cơ cấu

Về Dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC, Bộ Tài chính cho biết, nguyên tắc xây dựng Nghị định là hoàn thiện cơ chế hoạt động của DATC theo hướng mở rộng phạm vi đối tượng hoạt động, bổ sung một số chức năng, nghiệp vụ trong việc mua, bán, tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như khả năng xử lý tài sản, thu hồi nợ.

Dự thảo Nghị định quy định 2 nhóm đối tượng DATC tham gia tái cơ cấu thông qua xử lý nợ là DN cổ phần hóa và DN thuộc các thành phần kinh tế khác.

Đối với DN cổ phần hóa, theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển DN nhà nước (DNNN) và công ty TNHH MTV do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, DATC chỉ tham gia tái cơ cấu các DNNN thuộc danh mục Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần khi cổ phần hóa sau khi xử lý tài chính và xác định giá trị DN mà giá trị thực tế của DN thấp hơn các khoản nợ phải trả (âm vốn chủ sở hữu).

Theo Bộ Tài chính, nếu DATC chỉ thực hiện tái cơ cấu đối tượng DN nêu trên thì số lượng DN được tái cơ cấu sẽ rất hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động kinh doanh của DATC.

Do đó, Dự thảo Nghị định đề xuất bổ sung quy định đối tượng DATC tham gia tái cơ cấu gồm: DNNN không thuộc danh mục Nhà nước cần nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần khi cổ phần hóa và các công ty TNHH MTV do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ.

Với nhiều năm quan sát thị trường tài chính, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) không tán đồng điều này và cho rằng, DATC có vai trò rất hạn chế trong việc tái cơ cấu DNNN. Trong khi đó, việc xử lý nợ xấu của các DN có vốn nhà nước dưới 50% hoàn toàn có thể được thực hiện bởi các chủ thể khác.

“Hay nói cách khác, có thể đem DN hoạt động kém đó ra đấu giá. Cách làm này sẽ giảm được vai trò của Nhà nước trong hoạt động của những DN mà Nhà nước không cần nắm chi phối”, ông Hải nhấn mạnh.

Khác với quan điểm trên, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng bình luận: “Dự thảo này hướng đến mục tiêu mở rộng hoạt động của DATC, phù hợp với Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, trong đó có việc thành lập thị trường mua bán nợ. Việc mở rộng hoạt động của DATC giúp công ty này có thể tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường mua bán nợ, đây là điều tích cực”. 

Được quyền cung cấp tài chính hoặc bảo lãnh

Dự thảo Nghị định quy định DATC hoạt động theo nguyên tắc: Bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; tự chủ, tự chịu trách nhiệm; công khai, minh bạch và tuân thủ các quy định của pháp luật; kiểm soát, hạn chế rủi ro trong quá trình hoạt động.

DATC được thực hiện các biện pháp phục hồi DN tái cơ cấu dưới hình thức cung cấp tài chính (tương tự như Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC), bảo lãnh vay vốn tín dụng.

Theo Bộ Tài chính, việc bổ sung quyền được cung cấp tài chính hoặc bảo lãnh cho các DN được DATC tham gia tái cơ cấu là cần thiết vì đối tượng DATC hỗ trợ là các DN (có vốn góp chi phối của DATC) khó khăn về tài chính, thua lỗ, không thể huy động được vốn lưu động để sản xuất kinh doanh, và xác định đây là một trong những giải pháp, nghiệp vụ tái cơ cấu, xử lý tài chính cho DN.

Việc thực hiện các nghiệp vụ trên phải đảm bảo gắn với phương án tái cơ cấu được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên nguyên tắc hiệu quả, an toàn và phải hỗ trợ cho việc thu hồi nợ và vốn của DATC khi chuyển nhượng, đồng thời phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật.

Góp ý về điều này, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, cần chú trọng bảo toàn vốn nhà nước và tránh nguy cơ trục lợi vốn nhà nước từ hoạt động này. “Do đó, cần quy định mức tối đa mà DATC có thể bảo lãnh, chẳng hạn 30% số vốn tham gia tái cơ cấu, 70% còn lại thì DN phải tự lo”, ông Hải đề xuất.

Chia sẻ góc nhìn về nội dung này, ông Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm, cần tăng chức năng hoạt động cho DATC qua việc cung cấp tài chính và bảo lãnh cho DN cần tái cơ cấu. Để thực hiện được điều này, DATC phải có thêm nguồn vốn hoặc có thể tính đến việc phát hành trái phiếu DATC.

Bên cạnh đó, theo ông Hiếu, cần bổ sung năng lực kinh doanh cho DATC, bởi vì từ trước đến nay, DATC chỉ mua những DNNN và vận hành chưa giống với một DN kinh doanh trên thị trường. “Khi đó, DATC là một DNNN mà vận hành hoàn toàn theo cơ chế thị trường như một DN tư nhân. Đó là rủi ro khi DATC chưa sẵn sàng”, ông Hiếu nói.

Về vai trò và sứ mệnh của DATC, theo vị chuyên gia này, đến thời điểm hiện nay vẫn chưa cần giảm bớt hoặc loại bỏ. “Thị trường mua bán nợ của Việt Nam vẫn còn rất sơ khai với chủ lực là VAMC và DATC. Hai công ty này có thị trường hoạt động khác nhau. DATC đang “lép vế” hơn VAMC về phạm vi hoạt động. Do đó, cần tăng cường vai trò của DATC đồng thời với việc phát triển thị trường mua bán nợ. Đến khi thị trường đã trưởng thành hơn, có nhiều thành phần tham gia thì có thể tính đến việc điều chỉnh giảm vai trò của DATC”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Chuyên đề