Rào cản giảm lãi suất cho vay

(BĐT) - Theo một số nhận định, việc giảm lãi suất cho vay đang có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng phân tích, việc giảm lãi suất cho vay còn chịu nhiều lực cản, và có thể chỉ giảm được ở một số ngân hàng lớn.
Năng lực tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa được cải thiện. Ảnh: Nhã Chi
Năng lực tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa được cải thiện. Ảnh: Nhã Chi

Các ngân hàng hiện tại đang rất nỗ lực thực hiện chủ trương của Chính phủ là giảm lãi suất cho vay. Thực tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hạ lãi suất điều hành, trần lãi suất cho vay ngắn hạn cũng được NHNN điều chỉnh giảm đối với các lĩnh vực ưu tiên. Các ngân hàng thương mại đã giảm và đang tiếp tục cố gắng giảm lãi suất cho vay với 5 lĩnh vực ưu tiên. Báo cáo gần đây của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho thấy nhiều yếu tố hỗ trợ việc giảm lãi suất trong các tháng cuối năm, như lạm phát có thể thấp hơn kế hoạch, phát hành trái phiếu chính phủ không còn nhiều áp lực và sự quyết liệt của Chính phủ, NHNN phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất.

Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, dù có nhiều yếu tố thuận lợi, nhưng cũng còn có một số rào cản có thể cản trở ngân hàng cho vay với lãi suất thấp. Thứ nhất, trên quan điểm quản trị rủi ro, lãi suất thấp phải đồng nghĩa với rủi ro giảm, muốn lãi suất giảm thì rủi ro phải giảm. Nhưng rủi ro cho nền kinh tế có lẽ chưa giảm, vì rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), vẫn chưa cải thiện nhiều về năng lực tài chính và không có tài sản thế chấp nhiều. Rủi ro chưa giảm đáng kể để các ngân hàng giảm lãi suất.

Thứ hai, để giảm lãi suất cho vay, lãi suất huy động cũng phải giảm, nhưng tại thời điểm này chỉ có những ngân hàng lớn có thể giảm lãi suất huy động, còn ngân hàng nhỏ rất khó giảm vì sẽ bị mất khách hàng.

Đặc biệt, từ 15/8, thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, việc xử lý nợ xấu sẽ tạo ra chi phí cho các ngân hàng, có thể làm tăng chi phí hoạt động cho ngân hàng. Khi chi phí tăng, ngân hàng sẽ khó giảm lãi suất cho vay.

“Các ngân hàng đều cố gắng giảm lãi suất cho vay, nhưng còn ở trong chừng mực tương đối hạn chế. Từ đây đến cuối năm, lãi suất cho vay có thể diễn biến theo hướng ổn định, nếu có giảm thì chỉ ở những ngân hàng lớn, với toàn hệ thống còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Nói riêng về lãi suất cho vay đối với khu vực DNNVV, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ngân hàng đương nhiên muốn giảm lãi suất cho doanh nghiệp, vì khách hàng hoạt động mạnh cũng là tốt cho ngân hàng, tạo điều kiện cho khả năng sinh lời của chính ngân hàng. Nhưng ngân hàng cũng phải xem xét bài toán rủi ro, rủi ro cho vay đối với DNNVV hiện vẫn lớn, vì các doanh nghiệp này là đối tượng dễ bị tổn thương từ môi trường kinh doanh, năng lực tài chính kém, không có tài sản bảo đảm, nguồn trả nợ rất yếu. Theo ông Hiếu, ngân hàng phải cân bằng giữa “khẩu vị” rủi ro của mình như thế nào và việc cho DNNVV vay, bởi nợ xấu vẫn là dấu vết đau đớn cho các ngân hàng. Ngân hàng đứng giữa hai đối trọng, một mặt hỗ trợ doanh nghiệp một mặt quản lý rủi ro.

Chuyên gia này cho rằng, bài toán hỗ trợ tiếp cận tín dụng cho DNNVV cần lời giải từ nhiều bên, Chính phủ - ngân hàng - khách hàng (doanh nghiệp). Chính các doanh nghiệp phải cải tiến được tình hình tài chính, chứng minh được nguồn trả nợ. Chính phủ phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, có thể chế phù hợp đối với khu vực DNNVV, và ngân hàng cũng cần rộng tay hơn nữa, đối xử công bằng với các khách hàng “nhỏ” này.

Chuyên đề