Quyết liệt chống thất thu thuế

(BĐT) - Để hoàn thành mục tiêu thu ngân sách đạt 270.000 tỷ đồng trong năm 2016, bình quân 8 tháng còn lại của năm, mỗi tháng ngành hải quan phải thu trên 23.810 tỷ đồng. Đây là một con số không hề nhỏ trong bối cảnh xuất nhập khẩu hiện nay có nhiều biến động.
Thu ngân sách nhà nước tháng 4 giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2015. Ảnh: Nhã Chi
Thu ngân sách nhà nước tháng 4 giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2015. Ảnh: Nhã Chi

Giảm thu do giá dầu giảm

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan mới đây cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2016, số thu ngân sách nhà nước (NSNN) của toàn ngành hải quan đạt 79.502 tỷ đồng, bằng 29,4% dự toán, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, chỉ tính riêng trong tháng 4/2016, ước thu NSNN của toàn ngành đạt 23.114 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng 3 nhưng giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Lý giải nguyên nhân giảm thu, đại diện Cục Thuế xuất nhập khẩu (XNK) thuộc Tổng cục Hải quan cho rằng, tính tổng thể, kim ngạch XNK 4 tháng đầu năm 2016 dự kiến tăng, nhưng ước thu 4 tháng đầu năm 2016 lại giảm so với cùng kỳ năm 2015 là do kim ngạch nhập khẩu của một số mặt hàng chính có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá dầu thô giảm mạnh so với thời điểm những tháng đầu năm 2015 và việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự chuyển luồng nhập khẩu hàng hóa sang những nước có thuế nhập khẩu thấp đã làm giảm số thu NSNN của ngành hải quan trong 4 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trước mắt còn nhiều khó khăn, ngành hải quan xác định nhiệm vụ thu NSNN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Tổng cục Hải quan sẽ tập trung vào một số giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) trong việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN như: tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; kiểm tra chuyên ngành, giảm chi phí tối đa cho DN. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì Tổ giải quyết nhanh, chủ động gặp gỡ và giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế, công tác quản lý thuế, chế độ hoàn thuế, miễn thuế, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong việc nộp thuế.

Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp

Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, để đạt được chỉ tiêu thu NSNN, một trong những điểm mới trong thực hiện các giải pháp thu NSNN năm 2016 là thay đổi phương pháp quản lý thu hồi nợ với việc không giao chỉ tiêu thu hồi nợ cho hải quan các tỉnh, thành phố, mà yêu cầu các đơn vị này thu theo hồ sơ hải quan. Cơ quan hải quan cũng sẽ sửa đổi, bổ sung Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá, trong đó có việc điều chỉnh mức giá của khoảng 250 dòng hàng thuộc 16 nhóm mặt hàng theo hướng sát với thực tế giá XNK. “Đây sẽ là cơ sở để cơ quan hải quan đối chiếu, so sánh, kiểm tra, giám sát, thực hiện tham vấn và kiểm tra sau thông quan, tạo mặt bằng cạnh tranh bình đẳng giữa các DN nhập khẩu”, ông Cẩn nhấn mạnh.

Đối với các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số nộp NSNN lớn như Hà Nội, để hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN, Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội Nguyễn Văn Trường cho biết, Cục sẽ tập trung đổi mới hình thức hỗ trợ DN, hạn chế tối đa gây phiền hà cho người nộp thuế; đồng thời thường xuyên cập nhật tình hình của 119 DN có số nộp NSNN lớn trên địa bàn để phục vụ công tác theo dõi và phân tích tình hình thu NSNN. Ngoài ra, các biện pháp chống thất thu, chống buôn lậu, kiểm tra sau thông quan và thanh tra cũng sẽ được triển khai đồng bộ, quyết liệt.

Về phần mình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan phụ trách Cục Hải quan TP.HCM Hoàng Việt Cường thông tin, để thúc đẩy thu ngân sách, nhiệm vụ trọng tâm Cục Hải quan TP.HCM xác định là tạo thuận lợi tối đa cho DN sản xuất, kinh doanh và thực hiện các nghĩa vụ nộp thuế. Thời gian qua, Cục đã chủ động xây dựng danh sách 100 DN lớn và cử đoàn làm việc do các Chi cục trưởng làm Trưởng đoàn tới làm việc tại từng DN để nắm được kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc của từng DN để kịp thời tháo gỡ.

Tuy nhiên, theo ông Cường, việc cần làm lúc này là phải sớm xây dựng được Danh mục quản lý rủi ro về giá linh hoạt, đồng thời xem xét lại mô hình kiểm tra sau thông quan để tổ chức lại cho hợp lý. Đồng thời, để tránh tình trạng gian lận về giá, mã và số lượng khai báo, Cục Hải quan TP.HCM cho rằng cần sửa quy định về thành lập đại lý hải quan để giảm thiểu tình trạng gian lận này, từ đó tránh thất thu thuế.

Chuyên đề