Quỹ Bảo trì đường bộ: Tiếp tục minh bạch thu-chi và ứng dụng KHCN

Năm 2013, Quỹ Bảo trì đường bộ thu hơn 5.000 tỷ đồng, nhưng chỉ đáp ứng được trên 42% nhu cầu. Đến năm 2017, dự kiến sẽ thu được trên 8.000 tỷ đồng, cộng với cấp bù ngân sách cũng mới chỉ đáp ứng được trên 50% nhu cầu.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mới đáp ứng được 45% nhu cầu bảo trì đường bộ

Tại Hội nghị tổng kết và đánh giá 5 năm hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ (giai đoạn 2013-2017) diễn ra sáng nay (26/9), Bộ GTVT cho biết, trước khi thành lập Quỹ, trong giai đoạn 2010-2012, hằng năm Tổng cục Đường bộ Việt Nam được phân bổ trung bình khoảng 2.000 tỷ đồng cho toàn bộ công tác bảo trì đường quốc lộ (bao gồm bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ, công tác bão lũ thiên tai, an toàn giao thông và các công tác khác).

Tuy nhiên, so với định mức và quy trình bảo trì đường bộ do Bộ GTVT ban hành, thì nguồn vốn đó mới chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% nhu cầu bảo trì tối thiểu.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ nhận định: Tại các địa phương, trừ Hà Nội và TPHCM, vốn cho công tác bảo trì đường bộ rất hạn chế, chỉ khoảng 10-15 tỷ đồng/năm cho Sở GTVT bảo trì các tuyến đường tỉnh lộ, chủ yếu là thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa đột xuất khi có sự cố hư hỏng xảy ra, chứ không đủ kinh phí cho công tác sửa chữa định kỳ theo định mức và quy trình.

Kể từ năm 2013, Quỹ Bảo trì đường bộ ra đời, đã chia gánh nặng cho ngân sách trong việc bảo trì đường bộ, khi chiếm tới 65% số tiền dành cho việc bảo trì đường bộ trên cả nước, trong đó quỹ Trung ương chia về cho địa phương 35% số tiền phí đã thu.

Mặc dù vậy, theo ông Lê Hoàng Minh, Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ, năm 2013, Quỹ thu được hơn 5.000 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ đáp ứng được trên 42% nhu cầu định mức. Đến năm 2017, dự kiến sẽ thu được trên 8.000 tỷ đồng, cộng với cấp bù ngân sách cũng mới chỉ đáp ứng được trên 50% nhu cầu.

“Tuy nguồn thu Quỹ năm sau cao hơn năm trước, nhưng ngân sách Nhà nước vẫn phải cấp bù cho công tác này. Tổng cộng từ hai nguồn cũng mới chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu bảo trì hệ thống quốc lộ”, ông Minh nhấn mạnh.

Tình trạng “đói vốn” cũng thể hiện rõ trong bảo trì các tuyến đường địa phương. Năm năm hoạt động (2013-2017) Quỹ Bảo trì đường bộ đã phân chia về các quỹ địa phương trên 10.000 tỷ đồng để bảo trì hệ thống đường địa phương, song theo ghi nhận, số tiền này mới chỉ đáp ứng khoảng 20-30% nhu cầu của nhiều địa phương.

Ngoài nhiệm vụ chi cho bảo trì đường bộ, còn hàng chục khoản mục chi từ Quỹ quy định tại Thông tư liên tịch 230 và Thông tư 60 của Bộ Tài chính như: Khắc phục hậu quả bão lũ; xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; chi cho hoạt động của các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định và lưu động…

Đại diện các địa phương cũng nêu ra nhiều khó khăn, đó là Quỹ thu phí từ các phương tiện hằng ngày, nên việc xây dựng kế hoạch, dù có bám sát thực tế thì cũng chỉ mang tính dự kiến, do vậy hằng năm Quỹ đều có điều chỉnh bổ sung kế hoạch thu (bao gồm cả hụt thu và vượt thu).

Đặc biệt, để sử dụng được nguồn này, theo quy định hiện tại phải trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét điều chỉnh kế hoạch thu-chi cho Quỹ. Điều này gây mất thời gian, không kịp thời sử dụng để triển khai các công việc, không phát huy được hiệu quả nguồn vốn đóng góp từ xã hội.

Thu-chi minh bạch, áp dụng khoa học công nghệ

Liên quan đến kiến nghị của các địa phương về việc nguồn vốn đổ về trong năm 2017 bị chậm, không đáp ứng được công việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, hằng năm, sau khi Quốc hội họp vào tháng 10-11 mới ra nghị quyết sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ, trong khi đó hoạt động chi của Quỹ theo thời tiết là phải dùng cuối năm nay và đầu sang năm, nên gây chậm trễ cho các địa phương.

“Theo Luật Quản lý ngân sách, nhu cầu chi sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ sẽ từ Bộ GTVT lên Bộ Tài chính, báo cáo lên Chính phủ, nếu được chấp thuận mới lại từ Bộ Tài chính cấp về các địa phương… sẽ mất tính kịp thời khi cần sửa chữa gấp. Đây là kiến nghị của hầu hết các địa phương. Bộ GTVT sẽ tổng hợp các ý kiến của địa phương để bổ sung trong dự thảo báo cáo lên Chính phủ đầy đủ hơn về việc này”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết.

Về phương án thu-chi trung hạn của Quỹ Bảo trì đường bộ, ông Lê Hoàng Minh cho biết, Hội đồng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương căn cứ trên tình hình tăng trưởng phương tiện, căn cứ trên số thu phí sử dụng đường bộ của giai đoạn 2013-2017, xây dựng kế hoạch thu trung hạn (2017-2020) là 31.950 tỷ đồng để bảo trì 19.777 km đường bộ.

Ngoài ra, Hội đồng Quỹ sẽ tập trung xây dựng đề án tăng nguồn thu cho Quỹ (ngoài nguồn thu phí sử dụng đường bộ và nguồn ngân sách cấp), phấn đấu đến sau giai đoạn 2017-2022 ngân sách Nhà nước sẽ không phải cấp bổ sung và Quỹ sẽ chủ động tự cân đối trong công tác bảo trì hệ thống kết cấu đường bộ.

Hội đồng Quỹ cũng sẽ báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính sửa đổi các quy định liên quan để bảo đảm tính chủ động và kịp thời trong công tác bảo trì đường bộ. Báo cáo Chính phủ cho phép sửa đổi Nghị định số 18/2012/NĐ-CP đối với nội dung về phương án phân chia tỉ lệ 65% và 35% nguồn thu phí sử dụng đường bộ để bảo đảm sát với thực tế và nhu cầu bảo trì đường bộ trong từng giai đoạn.

Đồng thời tiếp tục quản lý hiệu quả và chặt chẽ nguồn thu, chi Quỹ, tăng cường công tác tuyên truyền và công khai minh bạch các hoạt động của Quỹ để tăng tính giám sát cộng đồng.

Ông Lê Hoàng Minh cũng cho biết thêm, thời gian tới sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chuyên ngành bảo trì đường bộ; xây dựng và hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế-kỹ thuật về công tác thiết kế, thi công, bảo trì công trình đường bộ, đường bộ cao tốc, cầu lớn, hầm...; tổ chức tiếp nhận và sử dụng tốt các hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế…

Đặc biệt, Hội đồng Quỹ cho rằng cần phải ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ và quản lý bảo trì hệ thống quốc lộ, trong đó việc hoàn thiện và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu về quản lý kết hạ tầng đường bộ, hệ thống quản lý tài sản đường bộ đang thực hiện (trong dự án VRAMP) để xây dựng toàn bộ sở sở dữ liệu cầu-đường trên hệ thống quốc lộ phục vụ công tác quản lý và lập kế hoạch bảo trì là quan trọng.

Chuyên đề