Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV không được đầu tư chứng khoán, kinh doanh bất động sản

(BĐT) - Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) không được sử dụng nguồn vốn hoạt động để thực hiện các mục đích kinh doanh tiền tệ, đầu tư chứng khoán, góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản.
Quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Ảnh: Lê Tiên
Quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Ảnh: Lê Tiên

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư số 15/2019/TT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vừa được Bộ Tài chính ban hành.

Thông tư quy định rõ về nguyên tắc quản lý tài chính đối với quỹ này. Cụ thể, quỹ bảo lãnh tín dụng tự chủ về tài chính, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phải thực hiện bảo toàn và phát triển vốn, bù đắp chi phí và rủi ro trong hoạt động; hoạt động theo nguyên tắc công khai, minh bạch, tiết kiệm và hiệu quả.

Quỹ bảo lãnh tín dụng có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về bảo đảm an toàn vốn và tài sản của quỹ. Trong đó, quỹ phải mua bảo hiểm tài sản, bảo hiểm rủi ro hoạt động bảo lãnh tín dụng và các bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật và trích lập dự phòng rủi ro. Bên cạnh đó, không được sử dụng nguồn vốn hoạt động để thực hiện các mục đích kinh doanh tiền tệ, đầu tư chứng khoán, góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản và các hoạt động kinh doanh, đầu tư không được phép khác.

Bộ Tài chính cũng quy định về xử lý tổn thất tài sản của quỹ bảo lãnh tín dụng. Khi bị tổn thất về tài sản, quỹ bảo lãnh tín dụng phải thành lập hội đồng để xác định mức độ tổn thất, nguyên nhân, trách nhiệm và xử lý.

Cụ thể, phải xác định rõ các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, rủi ro chính trị) và nguyên nhân chủ quan. Nếu do nguyên nhân chủ quan thì cá nhân, tập thể gây ra tổn thất phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Quỹ bảo lãnh tín dụng quy định cụ thể việc bồi thường và quyết định mức bồi thường phù hợp với quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Nếu tài sản đã mua bảo hiểm thì xử lý theo quy định của pháp luật về bảo hiểm. Giá trị tổn thất sau khi đã bù đắp bằng tiền bồi thường của cá nhân, tập thể và tổ chức bảo hiểm và sử dụng dự phòng được trích lập trong chi phí, nếu thiếu được hạch toán vào chi phí trong kỳ của quỹ bảo lãnh tín dụng.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2019 và áp dụng từ năm tài chính 2019.

Trước đó, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.

Theo đó, quỹ bảo lãnh tín dụng là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do UBND cấp tỉnh thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn; thực hiện chức năng cấp bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV theo quy định tại nghị định này và pháp luật có liên quan.

Quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Đối tượng được quỹ bảo lãnh tín dụng cấp bảo lãnh tín dụng là các DNNVV theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV và các văn bản hướng dẫn, có tiềm năng phát triển nhưng chưa đủ điều kiện tiếp cận tín dụng ngân hàng ở các lĩnh vực được ưu tiên cấp tín dụng theo quy định tại nghị định này.

Các DNNVV vay vốn để đầu tư, sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực sau sẽ được ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh tín dụng: Các lĩnh vực được ưu tiên cấp tín dụng theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ; các lĩnh vực hoặc dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương trong từng thời kỳ.

Chuyên đề