Quản thương mại điện tử xuyên biên giới từ cửa khẩu

(BĐT) - Gian lận thương mại điện tử xuyên biên giới diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi. Ứng phó với tình trạng đó, cơ quan hải quan đang áp dụng các biện pháp giám sát chặt các hành vi gian lận, đặc biệt là xây dựng quy định về quản lý hải quan với hàng hóa xuất nhập khẩu qua giao dịch thương mại điện tử.
Việc mua bán hàng hóa từ nước ngoài thông qua giao dịch thương mại điện tử hiện rất phổ biến và dễ dàng
Việc mua bán hàng hóa từ nước ngoài thông qua giao dịch thương mại điện tử hiện rất phổ biến và dễ dàng

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng Giám sát hải quan trực tuyến, Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan cho biết, giao dịch mua bán thương mại điện tử thường diễn ra trên các website, mạng xã hội. Việc vận chuyển hàng hóa thường được thực hiện thông qua các đầu mối trung gian, dịch vụ hành lý xách tay, gửi chuyển phát nhanh với khai báo rất chung chung.

Khi bị cơ quan hải quan phát hiện hàng giả, hàng cấm thì chủ các lô hàng không nhận hoặc khi truy tìm người nhận theo địa chỉ khai báo trên chứng từ thường không có, không đúng… Qua quá trình điều tra, cơ quan hải quan đã phát hiện nhiều vụ vi phạm.

Mới đây, tại kho hàng của Công ty CP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (NCTS), cơ quan hải quan đã kiểm tra lô hàng khai báo là vải nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất từ Hàn Quốc và UAE, tuy nhiên kết quả kiểm tra đã phát hiện 126,5 kg sừng động vật (nghi là sừng tê giác) và rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm dinh dưỡng được đóng gói nhỏ lẻ khác nhau (hàng hóa mua gom, vận chuyển từ nước ngoài cho nhiều chủ hàng).

Phản ánh về hiện tượng gian lận trong giao dịch điện tử xuyên biên giới, ông Âu Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan thuộc Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian qua, có một số dấu hiệu liên quan gian lận bằng cách chia nhỏ lô hàng.

Mặc dù lô hàng có trị giá cao, số lượng lớn nhưng chia nhỏ lô hàng và gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh để hưởng định mức miễn thuế đối với hàng trị giá dưới 1 triệu đồng, hoặc thông qua hàng quà biếu, quà tặng định mức 2 triệu đồng một lần và 4 lần/năm.

Để đối phó với tình trạng đó, hải quan đang đã và đang tăng cường các biện pháp quản lý chuyển phát nhanh cũng như quản lý chặt hàng hóa xách tay vượt định mức miễn thuế và yêu cầu khách hàng phải khai báo và thực hiện tuân thủ các quy định pháp luật.

Cơ quan hải quan quản lý hàng chuyển phát nhanh nói chung, hàng thương mại điện tử nói riêng gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, xác định trị giá tính thuế…
Theo ông Nguyễn Danh Nghĩa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh thuộc Tổng cục Hải quan, điểm khó khăn hiện nay là chưa có quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông qua giao dịch thương mại điện tử.

Việc thực hiện thủ tục hải quan như đối với hàng hóa thông thường gây mất thời gian. Cơ quan hải quan quản lý hàng chuyển phát nhanh nói chung, hàng thương mại điện tử nói riêng gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, xác định trị giá tính thuế…

Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan được giao xây dựng Dự thảo Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Dự thảo Đề án nêu 2 loại hình được quản lý. Thứ nhất, hoạt động thương mại điện tử mà người mua đặt, sau đó hàng mới được vận chuyển về Việt Nam hoặc ra khỏi Việt Nam, không phân biệt đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không.

Thứ hai, áp dụng quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử mà doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng về Việt Nam hoặc ra khỏi Việt Nam trước khi người mua hàng thực hiện đặt hàng trên các trang thương mại điện tử.

Cơ quan hải quan cho rằng, quy định cụ thể sẽ tạo điều kiện để kiểm soát gian lận thương mại điện tử xuyên biên giới tốt hơn. Bên cạnh đó, cơ quan hải quan cũng đề xuất xây dựng hệ thống tiếp nhận, lưu giữ, xử lý dữ liệu liên quan đến giao dịch thương mại điện tử để thuận tiện cho việc theo dõi các vụ việc.

Chuyên đề