Quản lý thuế thương mại điện tử: Chú trọng giám sát dòng tiền

(BĐT) - Tại Tờ trình ngày 5/10/2018 của Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) chuẩn bị trình xin ý kiến tại Kỳ họp thứ VI, Quốc hội khóa XIV sắp tới, những nội dung về quản lý thuế với thương mại điện tử đã được tiếp thu và sửa đổi theo hướng chú trọng giám sát dòng tiền thanh toán song không ảnh hưởng đến quyền hợp pháp của cá nhân, tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực này.
Những nội dung về quản lý thuế với thương mại điện tử hướng tới việc giám sát nhưng không vi phạm bảo mật thông tin người nộp thuế. Ảnh: NC st
Những nội dung về quản lý thuế với thương mại điện tử hướng tới việc giám sát nhưng không vi phạm bảo mật thông tin người nộp thuế. Ảnh: NC st

Vẫn còn những khoảng trống

Hành lang pháp lý đối với thương mại điện tử đã được xây dựng từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm trong hoạt động kinh doanh này mà khuôn khổ pháp lý hiện hành chưa bao quát hết.

Ra đời sớm nhất và có tính nền móng là Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Tiếp đó, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử. Tổng cục Thuế cho biết, nghị định này đã tạo cơ sở pháp lý tốt để quản lý thuế với hàng chục nghìn trang web của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam. Trong khi đó, việc quản lý thuế với các tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn chưa được quy định rõ.

Cụ thể, Khoản 2, Điều 2 của Nghị định 52/2013/NĐ-CP nêu rõ: “Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để hướng dẫn các biện pháp quản lý đối với thương nhân, tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành hoạt động thương mại điện tử với chủ thể Việt Nam”.

Trao đổi với Báo Đấu thầu về nội dung này, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế thuộc Tổng cục Thuế cho biết: “Đây là quy định để quản lý giao dịch của các trang mạng nước ngoài có hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam như: amazon, ebay… Song đến nay, các văn bản hướng dẫn chưa được ban hành”.

Về thanh toán trong giao dịch thương mại điện tử, theo Khoản 2 Điều 24 của Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, các giao dịch thanh toán qua thẻ thanh toán do tổ chức quốc tế phát hành đều phải thực hiện qua một trung tâm thẻ tại Việt Nam. Quy định này giúp quản lý được dòng tiền thanh toán và từ đó có cơ sở để tính thuế. Song đến nay, điều này vẫn chưa được thực hiện. 

Quy định mới nhất liên quan đến thương mại điện tử là Luật An ninh mạng năm 2018 có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 với điểm đáng chú ý là quy định doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ, đồng thời, phải đặt chi nhánh tại Việt Nam.

Nêu quan điểm về nội dung này, ông Huy nói: “Các nhà mạng nước ngoài lưu trữ dữ liệu và đặt văn phòng tại Việt Nam là cơ sở cần thiết để cơ quan thuế có thể tính toán và thu thuế hợp lý và cần sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện”.

Quản lý thuế từ dòng tiền

Trong khi các văn bản hướng dẫn những nội dung kể trên đang tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 được kỳ vọng sẽ tăng cường hiệu quả thu thuế thương mại điện tử.

Ông Huy cho biết, tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, cơ quan và dư luận, dự thảo mới nhất đã bỏ nội dung về chức năng điều tra cho cơ quan thuế và sửa đổi nội dung và việc cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng của các cá nhân, tổ chức.

Bản dự thảo trước quy định, ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thuế thông tin tài khoản của khách hàng, bao gồm thông tin về mở tài khoản; số tài khoản; nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản; mã số thuế của người nộp thuế… Điều này đã vấp phải sự phản đối của dư luận bởi có thể vi phạm quy định về bảo mật thông tin.

Liên quan đến nội dung này, ông Huy chia sẻ, trước đây đã có quy định người nộp thuế phải cung cấp số tài khoản ngân hàng cho cơ quan thuế. Tuy nhiên, thực tế phát sinh tình huống là một người nộp thuế có nhiều tài khoản ngân hàng nhưng chỉ cung cấp 1 tài khoản và khi cơ quan thuế cần cưỡng chế thuế thì tài khoản đó không có tiền và không biết người nộp thuế có tiền ở tài khoản nào. Với quy định tại dự thảo lần này, bất cứ khi nào có khách hàng mở tài khoản, ngân hàng cung cấp số tài khoản cho cơ quan thuế mà không phải cung cấp thông tin giao dịch và số dư tài khoản của người nộp thuế.

Dự thảo cũng bổ sung quy định ngân hàng thương mại thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

Chuyên đề