Phương án cổ phần hóa HUD chưa hợp lý

(BĐT) - Phương án cổ phần hóa Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) vừa được Bộ Xây dựng trình lên Thủ tướng Chính phủ có một số điểm bất hợp lý. 
HUD nằm trong Danh mục DNNN cổ phần hóa giai đoạn 2016 - 2020 mà Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Ảnh: Nhã Chi
HUD nằm trong Danh mục DNNN cổ phần hóa giai đoạn 2016 - 2020 mà Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Ảnh: Nhã Chi

Các chuyên gia khuyến nghị, việc cổ phần hóa HUD cần được thực hiện cẩn trọng, đúng quy định pháp luật, bảo đảm tính đầy đủ giá trị, tránh thất thoát tài sản nhà nước.

Đề nghị đấu giá công khai khi thoái vốn

Về tỷ lệ vốn nhà nước tiếp tục nắm giữa tại HUD, Bộ Xây dựng đề xuất Nhà nước nắm giữ 51% vốn tại HUD sau khi cổ phần hóa bởi đây là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nắm giữ nhiều nguồn lực về đất đai, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, HUD nằm trong Danh mục DNNN giai đoạn 2016 - 2020 mà Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ sau khi cổ phần hóa.

Hơn nữa, tại kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về việc sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu DNNN, DN có vốn góp của Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu giai đoạn 2011 - 2020, nhiệm vụ đến năm 2020 thì HUD thuộc diện cổ phần hóa, bán bớt phần vốn nhà nước, Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ đến hết năm 2019. Do đó, cần báo cáo Chính phủ bổ sung vào phương án cổ phần hóa về tỷ lệ vốn do Nhà nước tiếp tục nắm giữ tại HUD sau khi cổ phần hóa, đảm bảo phù hợp với Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg.

Về đề xuất dành 25% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, có thể thấy nhà đầu tư chiến lược là nhà đầu tư có thể hỗ trợ DN sau cổ phần hóa về chuyển giao công nghệ mới; đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao năng lực tài chính; quản trị doanh nghiệp… HUD là DN hàng đầu của Việt Nam về phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, do đó không cần thiết phải có nhà đầu tư chiến lược. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, cần đấu giá công khai toàn bộ phần vốn nhà nước thoái đợt này HUD nhằm tăng sức hấp dẫn trong việc đấu giá lần đầu, tránh thất thoát vốn nhà nước.

Cần xác định lại giá trị doanh nghiệp

Theo Quyết định số 1242/QĐ-BXD ngày 21/11/2016 của Bộ Xây dựng về giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa HUD tại thời điểm 31/12/2014 là hơn 10.943 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước là hơn 3.405 tỷ đồng. Theo phương án cổ phần hóa, HUD sẽ cổ phần hóa theo hình thức bán một phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Dự kiến cơ cấu vốn điều lệ Nhà nước nắm giữ 51%; cổ đông chiến lược nắm giữ 25%; cán bộ nhân viên nắm giữ 0,31%; nhà đầu tư bên ngoài nắm giữ 23,69%. Mức giá khởi điểm là 10.000 đồng/CP. Giá bán cho nhà đầu tư chiến lược được thực hiện theo hình thức thỏa thuận trực tiếp sau khi bán đấu giá công khai.
Phương án cổ phần hóa HUD đề nghị sử dụng kết quả xác định giá trị DN tại thời điểm ngày 31/12/2014 và giá trị của Công ty TNHH MTV Dịch vụ nhà ở và khu đô thị - HUDS (công ty con 100% vốn của HUD) để thực hiện bán cổ phần lần  đầu (IPO). Tuy nhiên, việc cổ phần hóa phải được tiến hành cẩn trọng, tính đầy đủ giá trị, tránh để thất thoát tài sản của Nhà nước. Lý do là, theo quy định tại Thông tư số 127/2014/TT-BTC ngày 5/9/2014 của Bộ Tài chính thì việc công bố giá trị DN và IPO cách thời điểm định giá không quá 18 tháng, trừ các trường hợp đặc thù theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp của HUD đã quá 29 tháng từ thời điểm xác định giá trị DN nên không tránh khỏi khả năng đã có nhiều biến động về giá trị tài sản DN. Để đảm bảo tính chính xác của giá trị DN, cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép phối hợp với Kiểm toán Nhà nước rà soát để cập nhật, bổ sung giá trị DN đến thời điểm gần nhất.

Hiện HUD có 1 công ty con sở hữu 100% vốn; 17 công ty con và 8 công ty liên kết đều là những nhà thầu có tiếng trên thị trường xây dựng Việt Nam. Về tình hình tài chính, trong năm 2017, HUD đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu là 1.198 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận trước thuế là 72 tỷ đồng. Năm nay, HUD sẽ chuyển đổi hoạt động của Công ty mẹ - Tổng công ty, Công ty HUDS từ DNNN sang mô hình công ty cổ phần…

Một điểm đáng chú ý là trong thời gian qua, nhiều đơn vị thành viên của HUD liên tục trúng thầu nhiều gói thầu có quy mô lớn trên cả nước, trong đó có rất nhiều gói thầu trúng sát giá dù được lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi.

Chuyên đề