Phép thử cơ chế điều hành tỷ giá mới

Dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 16/3 vừa qua quyết định không tăng lãi suất USD được xem là thông tin tốt lành, song thị trường ngoại tệ tại Việt Nam vẫn đang chịu những tác động từ phép thử khác với cơ chế điều hành tỷ giá mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Phép thử cơ chế điều hành tỷ giá mới

Làm thế nào để người dân giảm găm giữ USD, làm thế nào để huy động được nguồn vốn này vào phát triển kinh tế thay vì vay ngoại tệ từ nước ngoài với lãi suất cao là bài toán đang đặt ra không chỉ với NHNN.

Đúng như dự đoán, kết thúc phiên họp ngày 16/3, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất. Nhiều khả năng trong năm nay, Fed chỉ tăng lãi suất 2 lần, thay vì 4 lần như dự đoán trước đó. Như vậy, áp lực của thị trường thế giới với tỷ giá trong nước đã lắng dịu. Song tỷ giá lặng sóng và liên tục đi xuống gần 3 tháng qua không phải do tác động của thị trường thế giới, mà chủ yếu do những biện pháp mà NHNN đưa ra như hạ lãi suất USD xuống 0%, áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới từ tháng 1/2016 đến nay.  

Thị trường ngoại hối ổn định là thành công lớn của NHNN. Thế nhưng, găm giữ ngoại tệ lại có xu hướng tăng lên đang là thử thách với cơ quan quản lý. Chính vì găm giữ tăng, nên dù lãi suất USD về mức 0%/năm, nhưng huy động vốn ngoại tệ lại giảm. Trong bối cảnh đó, cả doanh nghiệp và ngân hàng đều phải đi vay ngoại tệ từ nước ngoài.

Đang xuất hiện hai luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Có ý kiến cho rằng, sự gia tăng đô la hóa là dấu hiệu cho thấy, cơ chế điều hành tỷ giá mới đang có những tác động phụ.

Ở chiều ngược lại, luồng ý kiến khác cho rằng, xu hướng găm giữ là phản ứng tâm lý tạm thời của thị trường đối với cơ chế mới. Trong khi doanh nghiệp nhập khẩu có tâm lý găm ngoại tệ để thanh toán, người dân găm ngoại tệ để chờ giá lên, ngân hàng cũng găm ngoại tệ để cho vay lãi suất cao, thì tâm lý găm giữ ngoại tệ chỉ giảm khi cơ chế mới vận hành nhuần nhuyễn, thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định.

Điểm đáng mừng là dù xu hướng găm giữ ngoại tệ có tăng vào cuối năm 2015 song đầu cơ ngoại tệ đã giảm khá nhiều, nhất là hai tháng gần đây. Minh chứng là đầu năm 2016, khi NHNN vận hành cơ chế mới, hàng lọat ngân hàng thương mại đổ xô xin mua ngọai tệ kỳ hạn từ NHNN với kỳ vọng giá sẽ tăng. Nhưng từ đầu năm đến nay, giá USD tại ngân hàng giảm 1% đã khiến không ít nhà băng chấp nhận hủy ngang hợp đồng. Lý do là khi giá ngoại tệ ngày càng đi xuống, thì mua ngoại tệ trên thị trường tự do rẻ hơn nhiều so với mua ngoại tệ từ NHNN. Hơn nữa, NHNN cũng yêu cầu ngân hàng nào quá trạng thái ngoại hối trong vòng 3 ngày sẽ bị phạt tăng dự trữ bắt buộc. Như vậy, các ngân hàng ngày càng bị siết chặt hoạt động đầu cơ ngoại tệ.

Đối với người dân, xu hướng găm giữ ngoại tệ như một kênh đầu tư truyền thống vẫn còn và khó xóa bỏ, nhất là trong bối cảnh lạm phát có nguy cơ quay trở lại. Tuy nhiên, tâm lý đầu cơ lướt sóng ngoại tệ đã giảm nhiều, bởi với cơ chế mới, đầu tư ngoại hối không còn hấp dẫn như trước do rất khó dự báo biến động tỷ giá.

Có lẽ, điều đáng ngại nhất với tỷ giá hiện nay là kỳ hạn. Việc đưa lãi suất huy động USD về mức 0% đã khiến các ngân hàng đứng trước rủi ro về kỳ hạn ngoại tệ, bởi tất cả khoản tiền gửi ngoại tệ mới của người dân đã được chuyển sang kỳ hạn qua đêm, thay vì gửi có kỳ hạn. Trong khi đó, nhiều khoản vay ngoại tệ hiện nay là vay trung, dài hạn. Đây cũng là lý do khiến nhiều ngân hàng, doanh nghiệp, thậm chí cả Chính phủ phải chấp nhận vay ngoại tệ từ nước ngoài với lãi suất cao. Trong khi đó, một lượng lớn ngoại tệ được găm giữ trong dân vẫn chưa huy động được để phát triển kinh tế.

Để giải bài toán này, rõ ràng không chỉ trông chờ vào giải pháp điều hành tiền tệ của NHNN, mà trước hết, Chính phủ cần tiếp tục có biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm giữ lạm phát. Chỉ khi giá trị tiền đồng được bảo đảm, người dân có niềm tin chắc chắn vào tiền Việt thì khi đó, ngoại tệ mà cụ thể là đồng USD mới chảy vào nền kinh tế.

Chuyên đề