Phát hành trái phiếu chính phủ ở mức cao gây áp lực lên lãi suất

(BĐT) - Với yêu cầu của phát hành trái phiếu chính phủ ở mức cao trong năm 2016 sẽ gây áp lực lớn lên lãi suất. Đây sẽ là thách thức của NHNN trong năm tới.
Phát hành trái phiếu chính phủ ở mức cao gây áp lực lên lãi suất

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chia sẻ với báo chí về kết quả hoạt động của NHNN trong năm 2015, những thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ, định hướng tăng trưởng tín dụng và giải pháp bình ổn thị trường ngoại hối trong năm 2016.

Sau những kết quả tích cực của năm 2015, NHNN thấy việc điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) hiện nay và năm 2016 có thách thức, khó khăn gì, thưa bà?

Tổng kết năm 2015 và trên cơ sở tổng hợp, phân tích diễn biến và dự báo, đánh giá của các tổ chức quốc tế và trong nước, kinh tế vĩ mô tiền tệ, NHNN nhận thấy có một số thách thức trong điều hành CSTT trong năm 2016.

Thứ nhất, xét về trong nước, Việt Nam dù đạt được nhiều thành tựu về kinh tế vĩ mô giai đoạn 2011 - 2015 nhưng hoạt động điều hành CSTT vẫn phải đối mặt với thách thức khi hệ thống ngân hàng tiếp tục chịu áp lực về nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh. Thời điểm hiện nay, việc đáp ứng nhu cầu về vốn ngắn hạn là rất khó vì các giải pháp cơ cấu lại thị trường tài chính đang được triển khai, nên mặc dù có sự quan tâm của các cơ quan, bộ, ngành chức năng nhưng nguồn vốn phục vụ kinh doanh của DN phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn của ngân hàng. NHNN nhận thấy, vốn trung và dài hạn hiện có của các NHTM là khá lớn, nhưng vốn ngắn hạn thì lại hạn chế. Thách thức đặt ra là làm sao để hệ thống ngân hàng cân đối được cơ cấu kỳ hạn, tăng nguồn vốn ngắn hạn cho sản xuất, kinh doanh.

Phát hành trái phiếu chính phủ ở mức cao gây áp lực lên lãi suất ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Hồng,

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Thứ hai, tình trạng đô la hóa mặc dù đã được NHNN quán triệt với phương châm điều hành là nâng cao vị thế của VND, nhưng do thị trường chịu tác động tâm lý trước diễn biến của kinh tế thế giới nên nếu không có những giải pháp linh hoạt, kịp thời, đặc biệt là có sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành, nhất là công tác thông tin truyền thông để giải tỏa tâm lý kỳ vọng của thị trường, thì những vấn đề này sẽ gây khó khăn cho điều hành.

Thứ ba, là thách thức do nội tại nền kinh tế. Với tình hình thị trường tài chính hiện nay, hệ thống ngân hàng nắm giữ lượng trái phiếu chính phủ (TPCP) khá lớn. Với yêu cầu của phát hành TPCP ở mức cao trong năm 2016 sẽ gây áp lực lớn lên lãi suất. Đây sẽ là thách thức của NHNN trong năm tới.

Tăng trưởng tín dụng quá nóng sẽ dẫn đến nợ xấu tăng cao. NHNN có định hướng và giải pháp gì để tránh hệ lụy này trong năm 2016?

Trong quá khứ, Việt Nam đạt tăng trưởng tín dụng cao, có giai đoạn trên 30%/năm. Đây là nguyên nhân khiến nợ xấu tăng, cân đối vốn để an toàn cho các tổ chức tín dụng (TCTD) gặp khó khăn. Tăng trưởng tín dụng năm 2015 là 17,17% (tính đến ngày 21/12/2015), cao hơn mức tăng trưởng tín dụng của năm trước đó. Năm 2016, dự kiến ban đầu của NHNN cho định hướng tăng trưởng tín dụng là tăng từ 18 - 20% tùy theo điều kiện thực tế.

Về tổ chức triển khai, NHNN sẽ tiếp tục đánh giá, xác định tăng trưởng tín dụng, định hướng tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là những lĩnh vực ưu tiên. Với một số lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, NHNN sẽ theo dõi sát để có điều hành nhanh nhạy, kịp thời, bảo đảm tín dụng mở rộng đi đôi với an toàn, hiệu quả. Trong tổ chức triển khai, NHNN vẫn tiếp tục duy trì chính sách tín dụng gắn với tăng trưởng kinh tế ở vùng miền, vì vậy NHNN sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, lãnh đạo các địa phương để hướng tín dụng vào các ngành, lĩnh vực phù hợp, đóng góp cho công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế. 

Thị trường ngoại hối và tỷ giá luôn chịu tác động từ tâm lý và diễn biến trên thị trường quốc tế. NHNN có giải pháp gì để ổn định thị trường, tránh hiện tượng găm giữ ngoại tệ?

Kết quả tích cực của thị trường ngoại hối trong năm 2015 phản ánh sự chủ động của các giải pháp điều hành CSTT, linh hoạt điều chỉnh tăng 3% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và nới biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-3% nhằm ứng phó kịp thời với các tác động bất lợi từ thị trường tài chính quốc tế, kết hợp với điều chỉnh lãi suất đồng tiền trên thị trường liên ngân hàng hợp lý, mua bán ngoại tệ can thiệp thị trường, ban hành các quy định nhằm ngăn chặn tình trạng găm giữ, đầu cơ ngoại tệ.

Diễn biến thị trường ngoại hối và tỷ giá thời gian qua cho thấy, thị trường chịu tác động từ tâm lý và diễn biến trên thị trường quốc tế. NHNN đã liên tục đưa ra các giải pháp như hạ lãi suất tiền gửi, yêu cầu các TCTD báo cáo về trạng thái ngoại hối, nhưng tâm lý thị trường vẫn bị ảnh hưởng dù cung, cầu ngoại tệ diễn biến tích cực; xuất siêu tốt, dòng vốn FDI và kiều hối tiếp tục tăng.

Vì vậy, năm 2016, NHNN sẽ hoàn thiện để tiến tới cách thức điều hành tỷ giá linh hoạt hơn, cân nhắc cả yếu tố trong nước và quốc tế để giảm kỳ vọng và tâm lý găm giữ ngoại tệ. Hiện nay NHNN vẫn đang tiếp tục thực hiện đồng bộ các công cụ, giải pháp của CSTT, đồng thời quán triệt phương châm nâng cao vị thế VND.                

Chuyên đề