PECC 1: Doanh thu lớn, lãi “bèo bọt”

(BĐT) - Đầu năm 2018, Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1 (PECC 1) và các đơn vị liên doanh đã trúng khá nhiều gói thầu lớn. Đây là khởi đầu tích cực cho PECC 1. Tuy nhiên, vấn đề của Công ty là hiệu quả kinh doanh, khi mà 100 đồng doanh thu tạo ra chưa đến 1 đồng lợi nhuận ròng trong năm 2017.
Một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả kinh doanh năm 2017 của PECC 1 giảm sút là hiệu quả quản lý chi phí
Một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả kinh doanh năm 2017 của PECC 1 giảm sút là hiệu quả quản lý chi phí

Hiệu quả kinh doanh thấp

Trong số 4 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn xây dựng điện đang niêm yết trên thị trường chứng khoán (PECC 1, PECC 2, PECC 3, PECC 4) có vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), PECC 1 có vốn điều lệ lớn nhất nhưng lại là đơn vị có hiệu quả kinh doanh khiêm tốn nhất.

Báo cáo tài chính quý IV/2017 của PECC 1 cho biết, doanh thu thuần cả năm 2017 của Công ty đạt gần 711,8 tỷ đồng, tăng 19,5% so với năm trước. Mặc dù vậy, lợi nhuận ròng chỉ đạt 3,2 tỷ đồng, giảm tới 91% so với con số 36,5 tỷ đồng đạt được trong năm 2016. Với kết quả này, thu nhập cơ bản trên một cổ phần (EPS) năm 2017 của PECC 1 chỉ đạt 122 đồng/CP, thấp hơn nhiều so với mức 4.520 đồng/CP của PECC 3 và 1.721 đồng/CP của PECC 4. Đặc biệt, người anh em PECC 2 đang là doanh nghiệp có EPS năm 2017 (39.600 đồng/CP) cao nhất trên thị trường chứng khoán hiện nay.

Một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả kinh doanh năm 2017 của PECC 1 giảm sút là hiệu quả quản lý chi phí. Cụ thể, chi phí giá vốn năm 2017 tăng 28,8% (từ 384,5 tỷ lên 495 tỷ đồng) làm cho lợi nhuận gộp chỉ tăng thêm 2,6%, đạt 216,6 tỷ đồng. Tổng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới 93 tỷ đồng, tăng 101% so với năm 2016. Ngoài ra, chi phí lãi vay trong kỳ lên tới 112,6 tỷ đồng, đây cũng là chi phí hoạt động đáng kể nhất của Công ty trong nhiều năm qua.

Tính đến thời điểm cuối năm 2017, tổng nợ phải trả của Công ty đạt 1.455 tỷ đồng, chiếm 81% tổng tài sản. Trong đó, chiếm 70% tổng nợ phải trả là nợ vay ngắn hạn và dài hạn (hơn 1.027 tỷ đồng). Theo báo cáo tài chính bán niên 2017 đã được kiểm toán, phần lớn số dư nợ vay dài hạn của PECC 1 (trên 550 tỷ đồng) đến từ VietinBank - Chi nhánh Thăng Long với mục đích đầu tư Dự án Thủy điện Sông Bung 5. Ngoài ra, Công ty đang vay mượn hơn 300 tỷ đồng từ cán bộ công nhân viên với lãi suất từ 10% - 12%/năm.

Diễn biến giao dịch cổ phiếu TV1 của PECC 1

Cổ phiếu khó bứt phá

Hồi tháng 5, tháng 6 năm 2017, cổ phiếu của PECC 1 (mã chứng khoán: TV1) đã có lúc tăng rất sốc. Sóng tăng hình thành khoảng từ tuần đầu tháng 5 với giá khoảng 16.000 đồng/CP lên đỉnh cao nhất là 27.600 đồng/CP sau đó khoảng 1 tháng, tương đương mức tăng hơn 70%. Sau đó, cổ phiếu TV1 bắt đầu chuỗi ngày giảm sâu và hiện đang giao dịch quanh mức giá 18.000 đồng.

Trên sàn, TV1 hiện không phải là một cổ phiếu có tính thanh khoản cao với khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây chỉ hơn 1.100 cổ phiếu. Trong khi đó, cổ phiếu của PECC 2 (mã chứng khoán: TV2) đang nằm trong top 10 cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường chứng khoán (hiện đang được giao dịch quanh mức giá 192.000 đồng/CP).

Trong báo cáo tài chính bán niên 2017, Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Việt Nam, đơn vị thực hiện kiểm toán cho PECC 1 cho biết, chưa đánh giá khả năng thu hồi của một số khoản công nợ phải thu đã tồn đọng lâu ngày với giá trị là 88,9 tỷ đồng để xem xét trích lập dự phòng phải thu khó đòi.

Ngoài ra, một số công trình đã được ghi nhận doanh thu từ các năm tài chính trước nhưng Công ty chưa kết chuyển hết chi phí sản xuất kinh doanh dở dang để xác định giá vốn tương ứng với giá trị là 17,9 tỷ đồng. Nếu khoản chi phí trên được ghi nhận tương ứng với doanh thu thì lợi nhuận lũy kế và giá trị hàng tồn kho trên bảng cân đối kế toán sẽ giảm với giá trị tương ứng.

Chuyên đề