“Ông lớn” ACV: Lãi sau thuế năm 2017 giảm 20%

(BĐT) - Lũy kế năm 2017, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đạt doanh thu 13.888 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2016; lợi nhuận sau thuế 4.204 tỷ đồng, giảm 20%. Mức sụt giảm đến chủ yếu từ khoản doanh thu hoạt động tài chính trong quý IV.
Năm 2017, ACV đạt doanh thu 13.888 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2016
Năm 2017, ACV đạt doanh thu 13.888 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2016

Lợi nhuận sau thuế đạt 4.204 tỷ đồng

ACV vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất trong quý IV/2017 (giai đoạn 1/10 đến 31/12/2017). Báo cáo cho thấy, doanh thu của ACV trong quý IV/2017 đạt 3.529 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2016. Giá vốn bán hàng giảm 1.047 tỷ đồng (tương đương 33%) so với cùng kỳ 2016 giúp lợi nhuận gộp trong quý đó của ACV tăng tới 60%, đạt 1.401 tỷ đồng.

Mặc dù các chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm, lợi nhuận gộp tăng trưởng tốt, tuy nhiên trong quý IV, ACV chỉ ghi nhận khoản lãi sau thuế là 1.242 tỷ đồng, giảm tới 40% so với cùng kỳ năm 2016. Sự sụt giảm này đến chủ yếu từ khoản doanh thu tài chính của ACV. Trong quý IV/2017, doanh thu từ hoạt động tài chính của ACV đạt gần 326 tỷ đồng, giảm tới 86% so với cùng kỳ 2016. Trong khi đó, quý IV/2016, ACV thu về 2.319 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, đây phần lớn là khoản hoàn nhập chênh lệch tỷ giá kỳ trước.

Đáng lưu ý, trong quý IV năm 2017, ACV không còn ghi nhận những khoản lỗ “khủng” từ chênh lệch tỷ giá như hồi đầu năm 2016. Tính tới cuối năm 2017, số dư vay nợ bằng đồng Yên Nhật (JPY) của ACV lên tới 71,4 tỷ Yên. Trong đó chủ yếu là khoản vay tín dụng cho Dự án Xây dựng nhà ga hành khách quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất; Dự án Xây dựng nhà ga T2 Nội Bài…

Lũy kế năm 2017, ACV đạt doanh thu 13.888 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế 4.204 tỷ đồng, giảm 20%. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) năm 2017 đạt 1.921 đồng. 

Hơn 18.600 tỷ đồng gửi ngân hàng

ACV là một trong số doanh nghiệp chủ chốt, "gà đẻ trứng vàng" của ngành giao thông vận tải, đảm nhiệm công tác quản lý các sân bay dân dụng. ACV đã hoạt động theo mô hình công ty cổ phần kể từ tháng 4/2016 sau khi bán cổ phần ra công chúng lần đầu hồi cuối năm 2015. Theo kế hoạch, vào quý III năm nay, ACV sẽ tiếp tục bán ra 20% cổ phần, tương đương 435.434.647 cổ phiếu. Đây là đợt chào bán cổ phần ra công chúng lần thứ 2, với quy mô lớn của ACV.
Tính tới cuối năm 2017, tổng tài sản ACV đạt 49.161 tỷ đồng, tăng hơn 2.200 tỷ so với đầu năm. Trong khi đó, nợ phải trả tính đến cuối năm 2017 là 21.726 tỷ đồng, giảm 884 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn là 7.314 tỷ đồng (giảm 15%) và nợ dài hạn là 14.411 tỷ đồng (tăng 3%). Trong cơ cấu nợ dài hạn, vay nợ thuê tài chính dài hạn chiếm hơn 14.327 tỷ đồng, chủ yếu là vay nợ ODA do Nhật Bản tài trợ.

Đáng lưu ý, trong cơ cấu tài sản ngắn hạn, lượng tiền và tương đương tiền của ACV trong năm 2017 cũng sụt giảm khá lớn, từ hơn 3.165  tỷ đồng xuống còn 913,6 tỷ đồng. Trong khi đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng khá mạnh, từ 4.499 tỷ đồng lên 7.299 tỷ đồng (tăng 2.800 tỷ đồng, tương đương tăng 62%). Các đơn vị đang “om” vốn của ACV gồm: Vietnam Airlines (535 tỷ đồng), Vietjet (520,7 tỷ đồng), Jesta Pacific (124 tỷ đồng)… Đáng chú ý, lượng tiền gửi ngân hàng của ACV ở mức khá cao: 18.604 tỷ đồng (bằng 69,7% tài sản ngắn hạn và bằng 38% tổng tài sản).

Ngoài ra, trong bảng nợ xấu của ACV có tổng cộng 19 khách nợ với tổng số tiền là 30,03 tỷ đồng, trong đó có 3 hãng hàng không. Cụ thể, Air Mekong chiếm 25,9 tỷ đồng trong số này, Transaero Airlines nợ 2,65 tỷ đồng và hãng hàng không SW Italia nợ 634 triệu đồng. Riêng Air Mekong đã chính thức bị khai tử khỏi thị trường hàng không Việt Nam hồi đầu tháng 1/2015 sau gần 2 năm xin tạm ngừng khai thác để tái cơ cấu đội tàu bay.

Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ, năm 2017, ACV đặt kế hoạch tổng hành khách quốc tế đạt 27 triệu lượt, tăng 14% so năm 2016; khách nội địa 64 triệu lượt, tăng 12%. Theo đó, tổng doanh thu mục tiêu là 13,293 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 3.669 tỷ đồng.

Chuyên đề