Những giao dịch đáng ngờ của các công ty sân sau

(BĐT) - Theo thông tin trên báo chí, năm 2010, một công ty liên kết của Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC) đã công bố kế hoạch đầu tư 190 tỷ đồng để xây dựng Khu nghỉ dưỡng cao cấp tại thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. 
Công ty TNHH MTV Cảng Vũng Rô vẫn phải gánh hậu quả do công ty sân sau gây ra từ năm 2013. Ảnh: NC st
Công ty TNHH MTV Cảng Vũng Rô vẫn phải gánh hậu quả do công ty sân sau gây ra từ năm 2013. Ảnh: NC st

Tuy nhiên sau đó 2 năm, do tình hình khó khăn, công ty này đã bán lại dự án nói trên cho Công ty TNHH Mai Phương với mức giá 28 tỷ đồng, bằng giá đã mua.

Khi đó khu đất mới chỉ được san gạt mặt bằng tạm thời. Tuy nhiên, theo đánh giá, mảnh đất này có giá cao hơn rất nhiều do vị trí phong thủy đặc biệt và càng có giá hơn sau khi một biệt thự tuyệt đẹp được xây dựng. Đáng lưu ý là, Chủ tịch Công ty TNHH Mai Phương chính là ông Trịnh Xuân Giới, cha đẻ ông Trịnh Xuân Thanh. Ông Trịnh Xuân Thanh khi đó vẫn là Chủ tịch HĐQT PVC.

Thông tin này ngay lập tức khiến người ta đặt câu hỏi về sự minh bạch trong thương vụ hàng chục tỷ đồng này. Lập công ty sân sau để tẩu tán tài sản, lợi nhuận vốn không phải là câu chuyện mới mẻ. 

Thiệt hại khó khắc phục

Nói về việc các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn kêu khó trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đã từng đặt câu hỏi: “Phải chăng tiền ngân hàng đang chảy chủ yếu vào các doanh nghiệp nhà nước và các công ty sân sau?”. Hiện tượng “chèn ép” này đã đẩy lãi suất cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa lên cao, gây khó khăn đối với các doanh nghiệp vốn đã ít nhận được ưu đãi.

Hệ quả của các mối quan hệ nhập nhằng đó đôi khi được lượng hóa lên những con số đau lòng. Đặc biệt khi thông tin không minh bạch, mọi chuyện thường chỉ được phanh phui trong các vụ án hình sự.

Cuối tháng 3/2016, Tòa án Nhân dân tỉnh Kiên Giang đã mở phiên xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng… xảy ra tại Công ty TNHH MTV Du lịch - Thương mại Kiên Giang (KTC). Các bị cáo là lãnh đạo công ty này đã thành lập 3 công ty sân sau, lấy gạo của KTC xuất bán cho đối tác lấy lãi, nếu lỗ thì đẩy thiệt hại sang KTC. Thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng.

Ở một trường hợp khác, một doanh nghiệp nhà nước có quy mô rất nhỏ cũng đang phải oằn lưng gánh những hậu quả to lớn do công ty sân sau gây ra.

Trực thuộc UBND Tỉnh Phú Yên, Công ty TNHH MTV Cảng Vũng Rô vẫn lỗ lũy kế gần 34 tỷ đồng do hậu quả công ty sân sau gây ra từ năm 2013. Tháng 8/2015, nguyên Giám đốc Công ty đã bị tuyên án 13 năm tù với những thiệt hại đã gây ra. Khoản nợ phải thu gần 50 tỷ đồng đã được Cảng Vũng Rô trích lập dự phòng toàn bộ và xếp vào nhóm nợ xấu, chưa biết bao giờ có thể thu hồi. 2 năm trở lại đây, mỗi năm Công ty lãi chưa đến 5 tỷ đồng. Như vậy phải đến hơn 10 năm Cảng Vũng Rô mới có thể khắc phục hết những hậu quả nghiêm trọng do công ty sân sau gây ra. 

Hợp tác… tạo lợi nhuận

Việc “giúp đỡ” nhau trên thương trường luôn là điều khiến người ta nghi ngờ. Mục đích thực sự của lòng tốt cần một thời gian tương đối dài để kiểm chứng.
Khác với các thương vụ đẩy lợi nhuận ra các công ty sân sau, thị trường chứng khoán chứng kiến không ít thương vụ kiến tạo lợi nhuận dễ dàng nhờ các đối tác “tốt bụng”.

Cuối năm 2015, thị trường chứng khoán “choáng váng” với thông tin một doanh nghiệp dễ dàng kiếm 177 tỷ đồng lợi nhuận trong chỉ 6 ngày, thông qua việc mua bán cổ phiếu!

Cụ thể, Công ty CP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (Hanic - mã chứng khoán SHN) đã mua đi bán lại cổ phần Công ty CP Sapa Hưng Yên trong vòng 6 ngày và thu về khoản chênh lệch 177 tỷ đồng. Đáng chú ý, Sapa Hưng Yên là công ty vừa được thành lập trước đó 2 tháng (!) Công ty này có cùng người đại diện theo pháp luật, địa chỉ đăng ký kinh doanh với Sapa Geleximco, một trong những đơn vị thành viên của Geleximco. Mối quan hệ giữa Geleximco và Hanic ngày càng trở nên chặt chẽ, đặc biệt sau tuyên bố về việc Geleximco sẽ giúp Hanic mỗi tháng một thương vụ lớn có thể ghi nhận lợi nhuận khoảng 50 - 60 tỷ đồng. Thương vụ siêu lợi nhuận này, vì vậy rất có thể là “sự giúp đỡ” tạo điều kiện từ phía Geleximco, công ty đang gây ồn ào với chuỗi dự án hạ tầng tổng mức đầu tư 50 tỷ USD.

Cuối năm 2015, cổ phiếu SHN đã có lúc tăng lên mức xấp xỉ 15.000 đồng (tính theo giá điều chỉnh), là mức giá không tưởng của một cổ phiếu vừa thoát khỏi khủng hoảng như SHN.

Trong cuộc tiếp xúc với báo chí gần đây, khi được hỏi về thương vụ bán cổ phần công ty con một cách “ngon lành” thu về 1.680 tỷ đồng cho một đối tác, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai thừa nhận đối tác phải vay tiền để mua cổ phần chứ “bây giờ thì tiền đâu ra”.

Việc “giúp đỡ” nhau trên thương trường luôn là điều khiến người ta nghi ngờ. Mục đích thực sự của lòng tốt cần một thời gian tương đối dài để kiểm chứng.

Chuyên đề