Nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường vốn

(BĐT) - Tăng trưởng ấn tượng, thị trường vốn 10 tháng đầu năm 2017 đã hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. 
Hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước sẽ giúp duy trì sức hút của thị trường vốn. Ảnh: Nhã Chi
Hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước sẽ giúp duy trì sức hút của thị trường vốn. Ảnh: Nhã Chi

Theo một số chuyên gia, sức hút của thị trường vốn Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì bởi tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế, nền tảng lãi suất thấp và hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước.

Tăng trưởng ấn tượng

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG), tín dụng 10 tháng đầu năm tăng trưởng tích cực. Cụ thể, tính đến hết tháng 10/2017, tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) ước tăng khoảng 13,5% so với cuối năm 2016.

Đáng chú ý là cơ cấu tín dụng theo ngành nghề kinh tế có chuyển biến tích cực. Tỷ trọng tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 9,9% (10 tháng năm 2016 là 8,3%). Tỷ trọng tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng giảm xuống còn 15,5% (năm 2016 là 17,1%). Tín dụng tiêu dùng tiếp tục đà tăng mạnh kể từ đầu năm 2017, phù hợp với xu hướng gia tăng cầu tiêu dùng của nền kinh tế. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tăng khoảng 58,6% so với cuối năm 2016.

UBGSTCQG cho biết, thanh khoản của hệ thống ngân hàng tiếp tục được giữ ổn định, biểu hiện là lãi suất liên ngân hàng đã liên tục giảm (bình quân giảm khoảng 0,2 điểm % so với tháng trước) và tiếp tục được duy trì ở mức thấp. Thanh khoản hệ thống ổn định do Ngân hàng Nhà nước mua được lượng lớn ngoại tệ, và cung ứng tiền ròng khoảng 130 nghìn tỷ đồng từ đầu năm đến nay. Đồng thời, huy động vốn 10 tháng đầu năm 2017 tuy giảm so với cùng năm trước nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng khá, ước tăng 12% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 14,7%).

Lãi suất huy động ổn định so với tháng trước. Tính đến tháng 10, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 1 tháng ở mức 4,7%, 6 tháng ở mức 5,7%, 12 tháng ở mức 6,8%, 12 - 36 tháng ở mức 7,1%. Lãi suất cho vay giảm nhẹ so với đầu năm. Hiện tại, lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên ở mức 6,5%, cá biệt có ngân hàng thương mại ở mức 6%. Với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường, lãi suất phổ biến ở mức 9,3 - 11% kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index vượt mốc 800 điểm, tăng hơn 20% so với đầu năm, xếp thứ 9 về mức tăng trưởng trong các chỉ số chứng khoán trên thế giới từ đầu năm 2017. Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu cuối tháng 10/2017 đạt xấp xỉ 61% GDP. Những cải cách tích cực của Chính phủ đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hồi phục, nhiều doanh nghiệp lớn niêm yết cổ phiếu đã tạo ra sức hút đối với nhà đầu tư. 

Sự hấp dẫn của thị trường vốn sẽ được duy trì?

Tại Hội thảo “Kinh tế và thị trường” trong Tuần lễ Nhà đầu tư quốc tế do Capital Dynamics tổ chức tại Kuala Lumper, ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân thuộc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, động lực tăng điểm của VN-Index dựa trên cơ sở tăng trưởng cao của nền kinh tế, mức định giá thấp của thị trường, nền tảng lãi suất thấp và những cổ phiếu mới được niêm yết.

Tổng doanh thu của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 9 tháng đầu năm tăng 23% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ tài chính, vật liệu cơ bản, xây dựng vẫn là những ngành dẫn đầu.

Ngoài ra, lãi suất ở Việt Nam đang giảm dù vẫn cao hơn các nước khác. Lạm phát thấp và mức thanh khoản của ngân hàng cao là những nguyên nhân chính cho việc giảm lãi suất.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài đã chảy mạnh vào các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế quy mô lớn đang niêm yết trên TTCK. Đây là các doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn đến Chỉ số VN-Index.

Trong tương lai, theo ông Linh, làn sóng IPO và niêm yết các doanh nghiệp lớn sẽ tiếp tục thúc đẩy thị trường chứng khoán. Việc Nhà nước thoái vốn tại các doanh nghiệp niêm yết sẽ thu hút mạnh mẽ dòng vốn khối ngoại vào thị trường. Bên cạnh đó, câu chuyện nâng hạng thị trường cũng là điểm tích cực. Thị trường chứng khoán Việt Nam được MSCI (Morgan Stanley Capital International) xếp vào danh sách ưu tiên và có thể được nâng hạng vào cuối năm 2019. Theo ông Hùng Linh, sau khi được nâng hạng, dòng vốn chảy vào thị trường có thể lên đến 15 tỷ USD.

Chuyên đề