Nhà thầu Sông Đà 7 lỗ nặng vì các khoản đầu tư

(BĐT) - Với ngành nghề truyền thống là xây dựng thủy điện, xây dựng dân dụng và công nghiệp, Công ty CP Sông Đà 7 đã từng có quá khứ lẫy lừng khi tham gia xây dựng nhiều công trình lớn như Thủy điện Thác Bà, Hòa Bình, Yaly  hay Nhà máy Giấy Bãi Bằng. 
Trong 9 tháng đầu năm 2016, Sông Đà 7 đã lỗ ròng 83,2 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi st
Trong 9 tháng đầu năm 2016, Sông Đà 7 đã lỗ ròng 83,2 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi st

Ở thời điểm hiện tại, Công ty đang phải đối mặt với áp lực thua lỗ do các khoản đầu tư gây nên.

Giữa tháng 11/2016, Công ty CP Sông Đà 7 (mã chứng khoán SD7) thông qua Nghị quyết HĐQT về việc chuyển nhượng vốn góp tại công ty con là Công ty CP Sông Đà 7.02 (Sông Đà 702). Theo đó, Sông Đà 7 dự kiến chuyển nhượng phần lớn CP đang nắm giữ tại Sông Đà 702 nhằm giảm tỷ lệ sở hữu từ 67,65% (tương đương 4 triệu CP) xuống còn khoảng 16% (tương đương 959.000 CP).

Đây không phải là lần đầu tiên trong năm nay Sông Đà 7 lên kế hoạch thoái vốn/chuyển nhượng một phần vốn của công ty con. Thoái vốn, “làm sạch”  báo cáo tài chính hợp nhất là một trong những nhiệm vụ trung tâm của Sông Đà 7 trong năm 2016, theo nghị quyết mà ĐHĐCĐ thông qua hồi tháng 4 năm nay. 

Gánh nặng công ty con

Năm 2015, công ty mẹ Sông Đà 7 lãi ròng gần 600 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi hợp nhất kết quả kinh doanh của các công ty con, Sông Đà 7 lỗ hợp nhất tới 14,5 tỷ đồng. Cổ phiếu SD7 của Công ty đã bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đưa vào diện cảnh báo do những ý kiến ngoại trừ của kiểm toán báo cáo tài chính 2015. Rõ ràng, chính kết quả kinh doanh u ám tại các công ty con đã đưa Sông Đà 7 vào tình trạng bê bết nói trên.

Trong tài liệu gửi tới cổ đông, lãnh đạo Sông Đà 7 thừa nhận các khoản đầu tư tài chính dài hạn của Công ty chưa đem lại hiệu quả, gây lãng phí rất lớn các nguồn lực và có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro cho kết quả kinh doanh trong tương lai. Lãnh đạo Công ty không ngoại trừ trường hợp cổ phiếu Công ty bị hủy niêm yết, không thanh toán được cổ tức cho cổ đông…

Tính đến cuối năm 2015, Sông Đà 7 đầu tư vào công ty con tổng cộng 289 tỷ đồng, 52,4 tỷ đồng vào công ty liên kết liên doanh và 52 tỷ đồng góp vốn vào đơn vị khác. Trong khi đó dự phòng đầu tư tài chính dài hạn (cho tất cả các khoản mục nói trên) là 26,3 tỷ đồng.

Việc thoái vốn khỏi công ty con hoặc giảm tỷ lệ sở hữu, biến các công ty con thành công ty liên kết liên doanh sẽ giúp Sông Đà 7 không còn phải hợp nhất kết quả kinh doanh thua lỗ từ các công ty này, tránh bị lỗ hợp nhất như năm 2015 vừa qua. Về phương án này, một điển hình đã thực hiện cực kỳ thành công là Vinalines. Năm 2015, nhờ biện pháp kỹ thuật này Vinalines đã lãi trước thuế 66 tỷ đồng trong khi năm trước đó Tổng công ty báo lỗ 2.470 tỷ đồng. Đặc biệt, từ âm vốn chủ sở hữu hơn 9.800 tỷ đồng đầu năm, đến cuối năm 2015 vốn chủ sở hữu của Vinalines đạt con số 6.600 tỷ đồng. 

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Hệ lụy từ các khoản đầu tư trong quá khứ của Sông Đà 7 vẫn chưa biết đến bao giờ mới được khắc phục. Gánh nặng này, không ít thì nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến năng lực thi công, hiệu quả hoạt động của nhà thầu Sông Đà 7 trong tương lai.
Thoái vốn tại những doanh nghiệp “xấu” chưa bao giờ dễ dàng. Ví dụ, Sông Đà 7 dự kiến bán một phần vốn tại Sông Đà 7.04 (mã chứng khoán S74). Thế nhưng hiện tại S74 đang được giao dịch xung quanh mức giá 5.200 đồng/CP. Nếu bán 3,1 triệu CP S74, Sông Đà 7 sẽ lỗ gần 15 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối quý II/2016, do khó khăn của thị trường bất động sản, một loạt dự án của Sông Đà 7 như Khu nhà vườn sinh thái Đồng Quang, Trung tâm Thương mại và Dịch vụ nhà ở cao cấp An Khánh, Nhà máy Thủy điện Tiên Thành vẫn đang tạm dừng triển khai và chưa có kế hoạch triển khai trong tương lai gần. Điều này đồng nghĩa với việc hơn 100 tỷ đồng chi phí xây dựng dở dang của Sông Đà 7 tại các dự án nói trên sẽ bị “chôn vùi” chưa biết đến bao giờ.

9 tháng đầu năm 2016, Sông Đà 7 lỗ 51 tỷ đồng do thanh lý các khoản đầu tư tài chính, đồng thời dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư 23 tỷ đồng. Sau khi trừ đi khoản hoàn nhập dự phòng 41 tỷ đồng, các khoản đầu tư của Công ty đã gây nên khoản lỗ thuần khoảng 33 tỷ đồng. Trong 9 tháng, Sông Đà 7 đã lỗ ròng 83,2 tỷ đồng. Tính bình quân, mỗi CP của Công ty đang phải gánh một khoản lỗ tương đương 7.463 đồng chỉ trong 9 tháng đầu năm 2016.

Tỷ lệ Nợ/Tổng tài sản của Sông Đà 7 tính đến cuối quý III năm nay lên tới 78%, nghĩa là cứ 100 đồng tài sản của Công ty thì có 78 đồng đến từ các khoản nợ vay và phải trả. Nhờ khoản thặng dư vốn CP vượt vốn điều lệ (192,8 tỷ đồng trên 106 tỷ đồng vốn điều lệ), giá trị sổ sách cuối quý III của SD7 đang ở mức 28.198 đồng/CP, cao hơn hẳn mức giá hiện hành xung quanh 5.000 đồng/CP của Công ty. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, chất lượng tài sản của Sông Đà 7, đặc biệt là các khoản đầu tư đã, đang và sẽ thoái vốn mới là vấn đề của Công ty.

Bán dần các tài sản xấu là một phương án nhìn chung hiệu quả. Tuy nhiên, hệ lụy từ các khoản đầu tư trong quá khứ của Sông Đà 7 vẫn chưa biết đến bao giờ mới được khắc phục. Gánh nặng này, không ít thì nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến năng lực thi công, hiệu quả hoạt động của nhà thầu Sông Đà 7 trong tương lai.

Chuyên đề