Nhà đầu tư chứng khoán phái sinh thua lỗ vì bảng giá trục trặc

Bảng giá trục trặc khi thị trường biến động lớn trở thành "ác mộng" với nhà đầu tư chứng khoán phái sinh ngày hôm qua.

Đầu giờ chiều 23/4, bảng giá điện tử giao dịch chứng khoán phái sinh của các công ty chứng khoán đã dừng hoạt động. Cùng thời điểm với chứng khoán cơ sở bị bán tháo ồ ạt, tình trạng này đã tạo ra tâm lý hoảng loạn trên thị trường.

Bảng giá dừng hoạt động, đồng nghĩa với nhà đầu tư không thể xác định mức giá của hợp đồng phái sinh trên thị trường. Với nhà đầu tư không nắm giữ vị thế, diễn biến này khiến họ không thể quyết định nên mua (long) hay bán (short). Còn với những nhà đầu tư nắm giữ vị thế từ trước, điều này không khác gì việc dò dẫm trong đêm tối.

Bản chất của thị trường phái sinh là cung cấp các công cụ phòng ngừa rủi ro trong đầu tư. Nhưng với tỷ lệ đòn bẩy lên tới 1:10 và giao dịch được khớp ngay trong phiên, thị trường phái sinh Việt Nam đang trở thành một kênh đầu cơ, thậm chí còn vượt xa thị trường chứng khoán cơ sở.

Công cụ phái sinh duy nhất đang giao dịch trên thị trường là hợp đồng tương lai chỉ số VN30 chia làm 4 kỳ hạn, tuy nhiên khi chỉ số này ở thị trường cơ sở bị biến động mạnh, thị trường phái sinh cũng có diễn biến tương tự.

Khi bảng điện tử phái sinh tê liệt vào chiều qua, hợp đồng tương lai tháng 5 - hợp đồng càng gần thì khối lượng giao dịch càng lớn, đang giảm khoảng 14 điểm, tuy nhiên khi hệ thống chạy trở lại thì mức giảm đã lên 19 điểm và giảm gần 30 điểm sau đó.

Với tỷ lệ đòn bẩy 1:10 chỉ một thay đổi nhỏ về mức giá của hợp đồng có thể tác động lớn đến vốn gốc. Những nhà đầu tư đã ở trạng thái mua (long) trước khi bảng giá dừng hoạt động nếu không kịp định hướng để đóng trạng thái, sẽ chịu mức lỗ rất lớn. Chưa kể từ lúc bảng giá dừng hoạt động đến khi trở lại, mức giảm của hợp đồng này đã gia tăng đáng kể. Ngược lại, các nhà đầu tư ở trạng thái bán (short) sẽ lãi rất lớn vì khi thị trường càng giảm mạnh, mức lợi nhuận càng cao.

Tình trạng dừng hoạt động, hay không thể hiển thị kịp tốc độ giao dịch của thị trường không phải lần đầu mới xảy ra trên thị trường phái sinh. Trước đó, từng có những phiên giao dịch tương tự mà mức giá thực tế giao dịch chênh lệch với mức giá hiển thị của bảng giá.

Chuyên đề